Mỹ - Trung khó bề dĩ hòa vi quý

04/02/2023 07:36 GMT+7

Nhằm cải thiện quan hệ song phương đang hàm chứa nhiều căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến công du Trung Quốc từ ngày 5 - 6.2, nhưng chuyến đi bị cho là đã trì hoãn vô thời hạn do có sự cố phát sinh trong bối cảnh quan hệ hai nước liên tục căng thẳng.



Tối qua (3.2), tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã hoãn vô thời hạn chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg cũng dẫn lời hai quan chức Mỹ đưa ra thông tin tương tự. Tuy nhiên, cả Washington lẫn Bắc Kinh đến tối qua đều chưa thông tin chính thức về diễn biến này.

Việc chuyến đi được cho là bị hoãn sau khi Lầu Năm Góc ngày 2.2 cho biết họ đang theo dõi một vật thể bị nghi là khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc. Theo đó, vật thể này bay trên bầu trời Mỹ từ ngày 1.2. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder, khí cầu đang hoạt động bên trên khu vực hàng không dân dụng và không gây ra mối đe dọa với mặt đất. Giới chức Mỹ cho biết Washington đã nêu vấn đề với Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao. Liên quan vấn đề này, trong họp báo ngày 3.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh đang xác minh vụ việc.

Mỹ - Trung khó bề dĩ hòa vi quý - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc và gặp Ngoại trưởng chủ nhà Tần Cương

TL

CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ ?

Ban đầu, Ngoại trưởng Blinken dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 5 - 6.2 và có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Tần Cương. Đến trưa 3.2, tờ Financial Times còn dẫn một số nguồn tin thân cận tiết lộ trong chuyến thăm, ông Blinken còn gặp cả ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc.

Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung liên tục căng thẳng suốt những năm qua, đặc biệt xung đột thương mại giữa hai bên cũng không ngừng leo thang.

Nhận định khi trả lời Thanh Niên ngày 3.2, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Việc Ngoại trưởng Blinken dự định đến Trung Quốc lần này là dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đều muốn ổn định quan hệ, để sự cạnh tranh chiến lược không biến thành xung đột, mất kiểm soát".

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) đánh giá: "Hiện nay, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington về vấn đề Đài Loan đã có phần lắng xuống so với cao trào hồi tháng 8 năm ngoái. Cuộc chiến thương mại với Mỹ và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang phải giải quyết những hệ quả kinh tế do Covid-19. Vì thế, Bắc Kinh ít có khả năng làm xấu đi quan hệ với Washington vào thời điểm này".

Ông Sato kỳ vọng: "Ngoại trưởng Tần Cương có kinh nghiệm ngoại giao lâu năm với các nước phương Tây. Cho nên, xu thế "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc có thể sẽ được thay thế bằng một cách tiếp cận mới, tránh những luận điệu công khai thù địch không cần thiết chống lại Mỹ hoặc các nhà lãnh đạo của nước này. Thay vào đó, Bắc Kinh tập trung nhiều hơn vào lợi ích hữu hình và thương lượng.

Vì thế, nếu chuyến công du của ông Blinken thực sự bị hoãn vô thời hạn thì hai bên đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để đối thoại nhằm ổn định quan hệ.

KHÔNG NGỪNG CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC

Không dừng lại ở việc cơ hội bị bỏ lỡ, việc chuyến công du của ông Blinken bị hoãn còn là một minh chứng cho thấy bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể giải quyết ổn thỏa.

PGS Nagy đánh giá: "Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này đang có một số hành động nhằm thay đổi các ảnh hưởng ngoại giao do một số chính sách của Bắc Kinh. Washington và các bên có thể đang đặt ra câu hỏi rằng liệu sự thay đổi đó mang tính chất lâu dài hay chỉ là thay đổi chiến thuật mà không thay đổi chiến lược. Và có vẻ như hầu hết ý kiến đều đánh giá sự thay đổi đó của Bắc Kinh chỉ mang tính chiến thuật, ngắn hạn để Trung Quốc có thời gian ổn định nền kinh tế".

Trả lời Thanh Niên cùng ngày 3.2, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) cho rằng ngay cả khi chuyến công du diễn ra, thì: "Mối quan hệ Mỹ - Trung về tổng thể thì khó có thể sớm cải thiện do hai bên không đồng thuận về các vấn đề cơ bản. Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược cạnh tranh về an ninh, công nghệ cao…".

Tương tự, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) nhận định: "Chuyến công du dự kiến của Ngoại trưởng Blinken mang đến cơ hội để ổn định quan hệ Mỹ - Trung dù tôi không đánh giá cao khả năng cải thiện căng thẳng giữa hai bên. Ngay cả mục tiêu ổn định quan hệ cũng khó đạt được. Bắc Kinh tiếp tục cho rằng Washington khiến tình hình xấu đi và có nhiều yêu cầu không thể đáp ứng. Bắc Kinh cũng tiếp tục liên kết các vấn đề không liên quan. Và khó có khả năng hai bên có thể đồng ý về các nguyên tắc định hướng cho mối quan hệ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.