Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay nhau phác họa triển vọng giao thương ở châu Á tại hội nghị APEC hôm 18.11.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Mỹ của ông Tập hồi tháng 9 - Ảnh: Reuters |
Tại hội nghị thường niên APEC kỳ này ở Philippines, ông Obama tuyên bố xem Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như mô hình cho việc mở rộng các mối quan hệ giao thương tại Thái Bình Dương.
“TPP là trọng tâm trong tầm nhìn của chúng ta (các nước thành viên TPP) về tương lai của khu vực năng động này. Đây là thỏa thuận thương mại cao cấp nhất và tiên tiến nhất của thế giới”, tổng thống Mỹ khẳng định.
Ông Obama từng phát biểu rằng TPP sẽ tạo ra các thị trường mới cho hàng hóa Mỹ và bảo vệ môi trường, cũng như người lao động, đồng thời sẽ ngăn Trung Quốc đặt ra các luật lệ giao thương có thể cản trở lợi ích quốc gia Mỹ.
Trong khi đó, có mặt tại Manila, ông Tập Cận Bình lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nước APEC ủng hộ Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) do nước này hậu thuẫn. Wall Street Journal cho hay hiệp ước FTAAP đã được APEC bàn bạc trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng.
Chủ tịch Trung Quốc ví FTAAP như một phương thức bảo vệ mối dây liên kết các nền kinh tế trong khu vực. APEC cho biết 21 thành viên của khối này đã tham gia vào 144 thỏa thuận thương mại tự do, chiếm đến hơn phân nửa tổng số hiệp ước trên toàn cầu.
“Với việc có nhiều thỏa thuận thương mại tự do mới được ký kết, đã có nhiều quan ngại về khả năng chia rẽ trong khu vực. Vì thế, chúng ta cần phải nhanh chóng công nhận FTAAP và đưa tiến trình hội nhập kinh tế vùng tiến lên phía trước”, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi.
Mỹ, Trung - Ai mạnh hơn ai
Wall Street Journal cho biết Trung Quốc và nhiều nước khác đã có những bước tiến đáng kể trong việc xúc tiến các hiệp ước thương mại trong vùng và các hiệp ước này gộp lại có thể tiến hóa thành một hiệp ước có quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã vạch ra được một chiến lược dành cho kinh tế thế giới rõ ràng hơn so với Mỹ, đó là sử dụng sức mạnh kinh tế để tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác trên toàn cầu.
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đang có trong tay một chiến lược kinh tế toàn cầu”, ông Ian Bremmer, nhà sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức nghiên cứu chính trị quốc tế Eurasia Group.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rủi ro và giới doanh nghiệp hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương thì lại cho rằng Mỹ đã giành được một thắng lợi mang tính chiến lược trong việc thiết lập luật lệ mới về giao thương toàn cầu thông qua TPP.
Các quốc gia không thuộc TPP sẽ bị ảnh hưởng ở một số lĩnh vực khi phải cạnh tranh với các thành viên TPP như Việt Nam và Malaysia, những nước sẽ tăng cường cải cách để trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn hơn, theo bình luận của Wall Street Journal.
Tờ báo Mỹ cho hay Hàn Quốc và Philippines đã cân nhắc gia nhập TPP, còn Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, mới đây cũng đã đánh tiếng tỏ ra quan tâm về TPP với Washington.
Bình luận (0)