Theo AFP ngày 7.12 dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) ở Thụy Điển về sản xuất vũ khí trong năm 2019, ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ chiếm 61% doanh số bán vũ khí trên toàn cầu.
Xếp thứ 2 là Trung Quốc với tỷ lệ 15,7%. Doanh thu của nhóm 25 nước đầu bảng tăng 8,5% so với năm 2018 và đạt 361 tỉ USD, gấp 50 lần ngân sách hàng năm của các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Mỹ có 6 công ty và Trung Quốc có 3 công ty trong nhóm 10 công ty đầu bảng, bên cạnh BAE Systems của Anh ở vị trí thứ 7.
Các hãng Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics của Mỹ giữ 5 thứ hạng đầu, trong khi các hãng AVIC, CETC và Norinco của Trung Quốc lần lượt xếp thứ 6, 8 và 9. Vị trí thứ 10 thuộc về hãng L3Harris Technologies của Mỹ.
Theo bà Lucie Beraud-Sudreau, giám đốc chương trình chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI, Trung Quốc và Mỹ còn là 2 nước lớn nhất xét về chi tiêu vũ khí toàn cầu.
Về bán vũ khí, Mỹ thống trị trong nhiều thập niên, còn với Trung Quốc, doanh thu các công ty tăng gần 5% phù hợp với việc áp dụng các chính sách hiện đại hóa quân đội từ năm 2015, chuyên gia này nhận định.
Theo bà Beraud-Sudreau, các hãng châu Âu “hơi phân tán và toàn cầu hóa” nhưng nếu kết hợp lại thì cũng có doanh thu lớn. Airbus xếp thứ 13 và Thales (Pháp) xếp thứ 14, mỗi hãng đều hiện diện tại 24 quốc gia.
Lần đầu tiên, một công ty ở Trung Đông lọt vào danh sách 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới là hãng EDGE của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, xếp thứ 22. EDGE thành lập vào năm ngoái từ sự hợp nhất khoảng 25 công ty, tổ chức.
Báo cáo của SIPRI còn lưu ý rằng hãng Dassault của Pháp tăng vọt từ vị trí thứ 38 vào năm 2018 lên vị trí thứ 17 vào năm ngoái, nhờ tăng cường xuất khẩu các tiêm kích Rafale.
Trong khi đó, 2 hãng Nga cũng trong nhóm 25 hãng dẫn đầu về sản xuất vũ khí, gồm có Almaz-Antey xếp thứ 15 và United Shipbuilding xếp thứ 25.
Bình luận (0)