Bộ Tài chính Mỹ hôm qua thông báo Trung Quốc không còn là “thế lực thao túng tiền tệ” sau khi bị Mỹ gán mác này từ tháng 8.2019, theo Reuters. Đây là danh sách chỉ những nước điều chỉnh giá trị đồng nội tệ theo hướng đạt được lợi thế kinh doanh với Mỹ. Dựa trên lý do được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, Trung Quốc cam kết sẽ kiềm chế những hành động phá giá tiền tệ nhằm đạt lợi thế cạnh tranh.
Các thị trường châu Á đã trải qua ngày 14.1 trong không khí khởi sắc, theo sau các thông tin tích cực từ Mỹ và Trung Quốc. Reuters đưa tin chỉ số Nikkei của Nhật Bản có lúc tăng 0,8% giá trị, S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,9%, STI (Singapore) và KOSPI (Hàn Quốc) đều tăng 0,4%. Ngược lại, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc lại giảm, với Shanghai -0,28%; Shenzhen -0,23% và Hang Seng -0,28%, theo Reuters. Trong một diễn biến liên quan, thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ trong năm ngoái đã thu hẹp, từ 323,3 tỉ USD năm 2018 còn 295,8 tỉ USD trong năm 2019, tức giảm 8,5%.
|
Tuy nhiên, chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định việc Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách “đen” được xem là “bước đi chính trị” nhằm gây sức ép đối với chính quyền Bắc Kinh trong lúc đàm phán đang căng thẳng, theo tờ The Washington Post. Và động thái đảo ngược, tức đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách này, được đánh giá nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho lễ ký kết thỏa thuận thương mại đang đến gần.
Kênh truyền hình CGTN hôm qua đưa tin phái đoàn của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đến Washington D.C vào ngày 13.1 và chuyến thăm sẽ kết thúc vào ngày 15.1. Lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Hiện vẫn chưa rõ các điều khoản chính thức của thỏa thuận giai đoạn một đang được mong đợi. Tuy nhiên, South China Morning Post dẫn nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc cam kết sẽ mua 200 tỉ USD giá trị hàng hóa của Mỹ ở 4 lĩnh vực trong vòng 2 năm. Trong số này, hàng hóa sản xuất là nhiều nhất chiếm 80 tỉ USD, kế đến là 50 tỉ USD cho lĩnh vực năng lượng, các mặt hàng nông sản chiếm 40 tỉ USD. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hứa hẹn sẽ mua dịch vụ do Mỹ cung cấp với giá trị từ 35 - 40 tỉ USD. Tất cả những nhượng bộ trên nhằm đổi lại việc Mỹ hoãn áp thuế và giảm một số thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo Reuters, nếu phát hiện Trung Quốc không thực thi đúng thỏa thuận, Washington có quyền áp thuế trả đũa đối với phần giá trị tổn thất.
Trước động thái tích cực từ Mỹ - Trung, giới phân tích nhận định kinh tế toàn cầu sẽ có dấu hiệu cải thiện trong năm 2020. Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn lời tỉ phú William Fung, Chủ tịch Tập đoàn Li & Fung Group (trụ sở ở Hồng Kông), bày tỏ thái độ lạc quan cho năm mới, theo sau năm 2019 đầy biến động. Tuy nhiên, báo The Wall Street Journal tỏ ra quan ngại về viễn cảnh đàm phán giai đoạn hai, cụ thể là Mỹ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với vòng đàm phán trước đó. Theo báo Mỹ, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để tránh tổn thất hơn nữa. Về lĩnh vực sở hữu tài sản trí tuệ, Trung Quốc dự kiến đẩy mạnh chiến dịch tình báo nhằm giành được những công nghệ tối tân nhất để tiếp tục đà phát triển kinh tế như lâu nay. Giới phân tích nhận định giai đoạn hai sẽ diễn ra phức tạp, dai dẳng và hai bên khó đạt được tiếng nói chung.
Bình luận (0)