Hôm nay 27.9, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật mang tên “Giải pháp duy trì” cho phép chính phủ hoạt động đến ngày 3.12 và đình chỉ việc áp trần nợ công cho đến tháng 12.2022. “Giải pháp duy trì” đã được Hạ viện thông qua vào ngày 21.9.
Dự luật sẽ cần ít nhất 60 phiếu bầu của các thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, với việc mỗi đảng đang chiếm 50 ghế ở Thượng viện và đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối “Giải pháp duy trì”, dự luật khó có khả năng được thông qua.
Hết khả năng thanh toán các khoản chi vào tháng 10
Quốc hội Mỹ đang phải giải quyết 2 nhiệm vụ lớn: phê duyệt ngân sách cho chính phủ Mỹ và nâng trần nợ công. Năm tài chính của chính phủ Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 30.9 và quốc hội phải thông qua ngân sách cho năm sau trước hạn này để tránh việc phải đóng cửa chính phủ.
Cùng lúc, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thông báo chính phủ Mỹ sẽ hết khả năng thanh toán các khoản chi vào tháng 10 và yêu cầu quốc hội nâng trần nợ công để vay thêm tiền. Nếu việc này không được chấp thuận, Mỹ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, theo The Washington Post.
Đảng Cộng hòa cho rằng việc tăng trần nợ công là trách nhiệm của đảng Dân chủ. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, muốn phe Dân chủ gắn việc nâng trần nợ với dự luật chính sách xã hội trị giá 3.500 tỉ USD (đảng Dân chủ đang cố gắng thông qua chỉ với 51 phiếu ở Thượng viện). Động thái này sẽ buộc đảng Dân chủ đối mặt với các cáo buộc chi tiêu hoang phí và gặp bất lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Trong khi đó, đảng Dân chủ cho rằng việc tăng trần nợ công phải là quyết định của cả hai đảng và đã gắn việc này vào dự luật ngân sách mới cho chính phủ. Họ muốn phe Cộng hòa phải chịu trách nhiệm nếu phản đối “Giải pháp duy trì” khiến chính phủ đóng cửa và vỡ nợ.
Giới quan sát nhận định phe Dân chủ đang cược rằng đảng Cộng hòa sẽ phải bỏ phiếu thông qua “Giải pháp duy trì” để tránh đối mặt với phản ứng dữ dội từ thị trường và cử tri.
Thiệt hại khủng khiếp
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đóng cửa. Tuy nhiên, nếu quốc hội không thông qua ngân sách mới trước ngày 30.9, đây sẽ là lần đầu tiên chính phủ phải ngừng hoạt động trong lúc đang ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch.
Khi chính phủ đóng cửa, nhiều cơ quan liên bang sẽ không có chi phí để tiếp tục hoạt động. Điều này sẽ khiến một số nhân viên liên bang phải nghỉ không lương. Các quan chức thực thi pháp luật, an ninh quốc gia, quân đội, kiểm soát viên không lưu sẽ tiếp tục làm việc, nhưng không được trả lương.
|
Các công việc cần chính phủ liên bang xử lý như vay mua nhà, vay vốn doanh nghiệp, xin cấp hộ chiếu cũng rất khó thực hiện khi chính phủ đóng cửa. Lần đóng cửa này sẽ ảnh hưởng rất rộng vì Quốc hội Mỹ chưa thông qua dự luật ngân sách cho bất kỳ cơ quan nào.
Khi chính phủ ngừng hoạt động, tổng thống có thể quyết định duy trì các chương trình quan trọng với sức khỏe và an ninh của đất nước. Theo The Washington Post, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ ưu tiên các chương trình chống dịch trong lần đóng cửa này.
Trong lần gần nhất chính phủ Mỹ đóng cửa vào tháng 12.2018 dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, 300.000 nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính nền kinh tế nước này đã thiệt hại 11 tỉ USD, trong đó 3 tỉ USD không thể thu hồi.
Thiệt hại sẽ khủng khiếp hơn nếu chính phủ Mỹ đóng cửa và vỡ nợ cùng một lúc vào thời điểm nền kinh tế Mỹ vẫn chịu tác động của đại dịch. Nước Mỹ có thể ngay lập tức rơi vào một cuộc suy thoái, khiến người Mỹ mất hàng tỉ USD và hàng triệu người thất nghiệp. Mỹ sẽ cần nhiều năm, hoặc thậm chí cả một thế hệ, để phục hồi.
Báo The Guardian nhận định để giải quyết sự bế tắc này, một đảng cần phải nhượng bộ trước. Còn tờ The Washington Post chỉ ra rằng đảng Dân chủ có thể tránh việc đóng cửa chính phủ bằng cách bỏ việc nâng trần nợ khỏi dự luật ngân sách. Tuy nhiên, nếu làm vậy, phe Dân chủ sẽ phải thông qua việc nâng trần nợ bằng một quá trình phức tạp để tránh bị đảng Cộng hòa cản trở.
Bình luận (0)