Mỹ từng muốn thực hiện vụ nổ hạt nhân trên mặt trăng?

19/02/2021 14:42 GMT+7

Như chúng ta đã biết, Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa con người lên vệ tinh của Trái đất . Nhưng trước đó, các kế hoạch chinh phục mặt trăng của người Mỹ còn “rầm rộ và táo bạo” hơn nhiều.

Vấn đề là… danh dự

Việc Mỹ đưa các phi hành gia đổ bộ lên mặt trăng vào năm 1969 là câu trả lời trước những thành công trước đó của Liên Xô trong công cuộc chinh phục vũ trụ: lần đầu tiên đưa thành công động vật vào không gian (chó Laika), phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo và Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Xét cho cùng, những chuyến bay thám hiểm mặt trăng của chương trình Apollo không có lợi ích thiết thực nào ngoài việc củng cố lòng hãnh diện đang bị lung lay và để giành lấy tiếng tăm một quốc gia đi đầu trong cuộc đua vào không gian vũ trụ. Bởi vì, trên thực tế, không cần đến con người, chỉ cần sử dụng các trạm tự động để thu thập các mẫu đất đá và ghi lại hình ảnh của mặt trăng.

Sự kiện phóng vệ tinh Sputnik của Liên Xô khiến phương Tây lo lắng

Sovfoto/Universal Images Group

Tuy nhiên, ngoài ra còn có một phương diện nữa - khía cạnh quân sự. Liên Xô đã chứng tỏ được sức mạnh ngành công nghiệp quân sự của mình và tiềm năng sử dụng không gian gần trái đất cho các mục đích phi hòa bình. Người Mỹ cho rằng nhất thiết phải có câu trả lời xứng đáng để đáp lại đối thủ cạnh tranh. Và điều gì có thể tốt hơn là phá hủy một thứ gì đó thật to lớn, chẳng hạn như ... mặt trăng!
Trong những năm 1950, các tướng lĩnh và kỹ sư của không quân Mỹ đã khởi động "Đề án A119", chuẩn bị cho một chương trình tấn công hạt nhân trên mặt trăng không muộn hơn ngày 1.1.1958. Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử, và nhà bác học người Đức Wernher von Braun, cha đẻ của tên lửa V-2 (Vergeltungswaffe-2), người lúc đó làm việc cho NASA, cũng tỏ ý sẵn sàng tham gia dự án này.

Diều hâu đầu trắng

Công bằng mà nói, ý tưởng đầu tiên về khả năng ném bom nguyên tử lên mặt trăng được đề xuất bởi Edward Teller, người đã chế tạo ra bom nhiệt hạch của Mỹ. Thật ra thì chỉ mới dừng ở mức giả thuyết, nhưng đề xuất của ông đã được lắng nghe và ủng hộ. Các nhà khoa học khác đã tham gia vào dự án, và tất cả những điều này về quy mô ban đầu giống như một bản sao thu nhỏ của "Dự án Manhattan" (chương trình chế tạo bom nguyên tử của Mỹ).
Người Mỹ đã khôn ngoan thực hiện một chiến dịch truyền thông rầm rộ nhằm ngụy trang, che đậy kế hoạch của mình. Theo đó, họ công bố thông tin (sai lệch) rằng Liên Xô đang chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công nguyên tử lên mặt trăng vào ngày 7.11.1957, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Hơn nữa, người Nga đã tính toán kỹ: vào ngày hôm ấy có nguyệt thực, và vụ nổ trên mặt trăng sẽ được mọi người trên trái đất nhìn thấy.

Liên Xô từng tính toán gì

Những báo cáo xuất hiện cuối thập niên 2010 cho thấy Liên Xô từng có một dự án tương tự, nhưng chỉ được nhắc đến chính thức từ năm 1958 chứ không phải năm 1957. Bắt đầu từ tháng 1.1958, ý tưởng nổ bom hạt nhân trên mặt trăng nằm trong loạt dự án có mã hiệu "E". Dự án E-1 là kế hoạch bay lên mặt trăng, E-2 và E-3 sẽ gửi tàu thăm dò bay vòng đến phía tối của mặt trăng để chụp ảnh bề mặt. Bước cuối cùng là dự án E-4, nhằm kích nổ bom hạt nhân trên mặt trăng để chứng tỏ sức mạnh.
Cũng như kế hoạch của người Mỹ, chuỗi dự án E đã bị hủy trong giai đoạn phôi thai, do có những lo ngại về độ an toàn và đáng tin cậy của phương tiện phóng.
Người Mỹ đã cố gắng tạo ra cả “bom mặt trăng” lẫn phương tiện đưa nó tới đích. Các chuyên gia Viện Công nghệ Illinois đã phải tìm cách làm cho một cuộc tấn công nguyên tử có thể nhìn thấy từ trái đất. Cái khó là ở chỗ vụ nổ sẽ không tạo ra một đám mây hình nấm như trên trái đất, vì trên mặt trăng không có khí quyển. Nhưng tại sao khi có một sự kiện lớn đến thế, một cuộc biểu dương lực lượng hoành tráng, oai hùng đến thế mà không ai trên trái đất có thể nhìn thấy?
Người Mỹ đã tìm ra giải pháp – họ quyết định sẽ kích nổ quả bom ở đường rìa ngăn cách phần sáng với phần tối của mặt trăng (vào đêm trăng khuyết vừa phải). Khi đó, sau chớp lửa của vụ nổ, đám mây bụi (không phải hình nấm) tạo ra sẽ được mặt trời chiếu sáng, và từ trái đất mọi người đều có thể nhìn thấy nó khá rõ trên nền phần tối.

Nhà vật lý Leonard Reiffel, người quản lý Đề án A119

Robert W. Kelley/The LIFE Picture Collection

Do còn hạn chế về kỹ thuật tên lửa đẩy, đồng thời phương diện tài chính cũng gặp vấn đề, người Mỹ không thể đưa một qua bom to lớn, nặng nề lên đến mặt trăng, vì vậy họ quyết định chỉ sử dụng đầu đạn uranium-plutonium W25 với đương lượng nổ 1,7 kiloton (để so sánh: quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima có đương lượng nổ 16 kiloton).
Nhưng rồi dự án vẫn nằm trên giấy: vào tháng 1 năm 1959, Bộ Tư lệnh Không quân đã đình chỉ công việc mà không đưa ra lý do. Các nhà nghiên cứu Mỹ tin rằng do lo ngại phá vỡ tính toàn vẹn của mặt trăng, ít nhất sẽ dẫn đến sự mất ổn định của chu kỳ thủy triều lên xuống trên trái đất. Người quản lý dự án, nhà vật lý Leonard Reiffel, thì cho rằng điều này là do lo ngại khả năng chiếm hữu mặt trăng về sau của con người: ô nhiễm phóng xạ từ vụ nổ sẽ làm giảm diện tích có thể sử dụng được.

Bí mật đã trở nên rõ ràng

Có thông tin cho rằng một mục tiêu khác của Đề án A119 là nhằm cung cấp hiểu biết về cấu trúc địa chất trên bề mặt mặt trăng.
Theo nhiều người ủng hộ nhà vật lý thiên văn Carl Sagan, người từng tham gia đề án, mối quan tâm thật sự của ông là khám phá xem liệu một vụ nổ như vậy có làm lộ ra các dấu hiệu của những dạng sống chưa từng được biết đến bên dưới lớp vỏ của mặt trăng
"Đề án A119" bí mật đến nỗi ngay cả chính người dân Mỹ trong nhiều thập kỷ cũng không biết gì về nó. Mọi thứ chỉ được tiết lộ vào những năm 1990, có thể nói là một cách tình cờ. Nhà văn Keay Davidson khi nghiên cứu tiểu sử của nhà vật lý thiên văn Carl Sagan cho cuốn sách của mình thì phát hiện ra rằng Sagan từng thực hiện các tính toán về vụ nổ nguyên tử trên mặt trăng. Davidson bắt đầu đào sâu hơn và thu thập các chi tiết từng chút một.

Khi còn trẻ, nhà khoa học Carl Sagan từng tham gia dự án nổ hạt nhân trên mặt trăng.

Getty Images: Tony Korody/Sygma

Các nhà chức trách chính thức của Mỹ đã không phản ứng theo bất kỳ cách nào: họ không xác nhận cũng không phủ nhận. Và sau đó người đứng đầu cũ của "Đề án A119" Leonard Reiffel năm 2000 đã chính thức xác nhận kế hoạch thực hiện vụ nổ hạt nhân trên mặt trăng là có thật và nhiều công việc khá hiệu quả đã được thực hiện theo hướng này. Tuyên bố của một nhà khoa học có thẩm quyền như vậy ở Mỹ không cho phép chuyển chủ đề này sang bình diện của các thuyết âm mưu và những kế hoạch xảo quyệt của hậu trường quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.