(Tin Nóng) Quân đội Mỹ từng nghiên cứu dùng ong và kiến để chống du kích Việt Nam, tuy nhiên dự án này cuối cùng cũng bị dẹp bỏ vì không khả thi.
Quân đội Mỹ từng tiến hành nhiều dự án "không tưởng" trong chiến tranh Việt Nam nhưng hầu hết đều thất bại - Ảnh: Lục quân Mỹ
|
Năm 1963, Lục quân Mỹ bắt đầu việc nghiên cứu dùng ong, kiến để chống du kích ở Đông Nam Á. Một báo cáo của Phòng thí nghiệm chiến tranh hạn chế của Lục quân Mỹ viết rằng “Ong bắp cày, ong mật và kiến có trong nhiều môi trường, đặc biệt là vùng nhiệt đới. Những loài côn trùng này khi bị kích thích bằng chất hoá học đến một mức độ cao thì chúng có hành vi rất hung hăng và tấn công bất kỳ kẻ nào xâm lấn khu vực của chúng”.
Không may là đội quân sáu chân này không đủ tin cậy để chiến đấu, theo Warisboring ngày 26.4.
Ý tưởng của quân đội Mỹ là nhét vào các viên nang nhỏ một chất hóa học mà khi ai đó giẫm lên sẽ vỡ, phát tán chất hoá học ra khiến các loài côn trùng tức giận, hoặc ít nhất là thu hút chúng cắn hoặc chích. Binh lính sẽ rải các viên nang này ở bất cứ nơi nào nghi có du kích ẩn náu, hoặc rải chúng xung quanh các căn cứ và các đồn lính để bảo vệ mình.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn quan tâm xem xét liệu các chất tương tự có thể thu hút các sinh vật mang bệnh để làm hư hỏng thực phẩm của kẻ thù.
"Khả năng sử dụng ‘yếu tố bay' của côn trùng như một phương tiện thúc đẩy lây lan mầm bệnh cần được nghiên cứu", báo cáo năm 1963 nêu. "Cách tiếp cận thứ hai là sử dụng các con gián để gây ô nhiễm và để đánh dấu và nhận dạng cá nhân".
Quân đội Mỹ cũng tiến hành nghiên cứu riêng rẽ việc sử dụng các máy móc chứa côn trùng để phát hiện du kích ở trong rừng.
Năm 1965, các nhà khoa học tại Đại học Cornell nghiên cứu các loại bẫy côn trùng, đối tượng của họ là những con kiến và ong mật. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu kiểm tra côn trùng phản ứng như thế nào với các chất hóa học. Họ cũng thử nghiệm ngoài trời xem các hoá chất thu hút côn trùng lan xa bao nhiêu và cách côn trùng tấn công con người ra sao.
Với những con kiến, kết quả là “không thể kết luận được", theo một báo cáo. Không nản lòng, các nhà nghiên cứu tiếp tục cố gắng để "nâng cao đáng kể hành vi hung hăng" với các côn trùng khác như ong.
Quân đội Mỹ từng nghiên cứu dùng côn trùng như ong và kiến để chống du kích ở Việt Nam nhưng đã thất bại - Ảnh: Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ |
Năm 1966, Lục quân Mỹ ký thỏa thuận mới với Cornell, và trường đại học đã chứng minh ý tưởng rằng côn trùng đã hành động như người ta có thể mong đợi.
Theo hợp đồng mới, nhóm nghiên cứu sẽ chế tạo hóa chất để thu hút loài ong khoái, còn gọi là ong gác kèo, loài ong lớn và hung dữ có nhiều ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, dài từ 1,7 - 2 cm.
Tháng 6.1966, các nhà nghiên cứu của đại học Cornell được cho đã bắt đầu thử nghiệm ở một nơi nào đó tại châu Á để xem liệu chương trình này đã sẵn sàng cho việc triển khai chiến đấu hay chưa. Nhưng ba tháng sau, quân đội Mỹ đã dẹp bỏ dự án sau khi đã chi gần 35.000 USD, tương đương hơn 250.000 USD thời giá năm 2016.
Không biết chính xác lý do tại sao dự án bị ngừng, nhưng có vẻ những con ong này đơn giản là không làm theo những gì người ta mong đợi.
Một chiếc máy dùng côn trùng để đánh hơi người của Lục quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Lục quân Mỹ |
Tuy vậy việc nghiên cứu sử dụng côn trùng để tìm nơi du kích ẩn náu hoặc bắt họ khi lẻn vào các căn cứ vẫn tiếp tục tiến hành trong một thời gian sau đó.
Và cuối cùng quân đội Mỹ quyết định rằng nên tin tưởng vào các vũ khí thông thường như mìn và pháo sáng hơn là vào đám lính côn trùng vốn không thể đoán trước được hành động của chúng.
Bình luận (0)