Mỹ từng 'ngoại giao Coca' với nguyên soái Liên Xô giữa căng thẳng Chiến tranh Lạnh

18/05/2024 14:00 GMT+7

Giới chức Mỹ và công ty Coca-Cola của nước này từng tìm cách tuồn loại nước giải khát nổi tiếng cho vị nguyên soái Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Từng là đồng minh chống phát xít trong Thế chiến 2, Liên Xô và phương Tây đã sớm dựng "Bức màn sắt", biểu tượng ẩn dụ về sự chia cắt chính trị giữa hai cực. Liên Xô cũng đã cấm kinh doanh với các công ty phương Tây.

Điều này có thể đã ảnh hưởng đến nguyên soái Georgy Zhukov, người đã chỉ huy nhiều chiến thắng quan trọng của Liên Xô trước phát xít Đức. Ông Zhukov vốn là một người thích uống Coca, loại nước giải khát khi đó bị cấm ở Liên Xô. Ông lo rằng việc bị phát hiện sử dụng sản phẩm của phương Tây có thể bị trừng phạt.

Nguyên soái Georgy Zhukov trong một lễ duyệt binh

Nguyên soái Georgy Zhukov trong một lễ duyệt binh

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp, cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman khi đó đã bí mật trao đổi với Tập đoàn Coca-Cola và các quan chức, nhằm chuyển loại thức uống này đến tay vị nguyên soái, theo Business Insider.

Biểu tượng văn hóa trong Thế chiến 2

Tập đoàn Coca-Cola đã ủng hộ quân đồng minh nhiệt thành trong Thế chiến 2, biến công ty trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Khi Mỹ bắt đầu tham chiến, Chủ tịch Coca-Cola khi đó là ông Robert Woodruff đã ra chính sách “mỗi quân nhân có thể mua một chai Coca với giá 5 cent (hơn 1.000 đồng theo tỷ giá hiện nay) bất kể ở đâu” và chẳng màng quan tâm điều này khiến công ty tổn thất ra sao.

Loại nước giải khát này trở thành một liều thuốc tinh thần trong thời chiến. Các nhà máy đóng chai Coca dần xuất hiện gần tiền tuyến để quân đồng minh có thể nhận sản phẩm nhanh nhất. Hơn 100 nhân viên công ty thậm chí được phong quân hàm “quan sát viên kỹ thuật” và được điều đến tiền tuyến để đảm bảo binh sĩ nhận được Coca nhanh chóng và hiệu quả.

Mỹ từng 'ngoại giao Coca' với nguyên soái Liên Xô giữa căng thẳng Chiến tranh Lạnh- Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ ở mặt trận Ý uống Coca vào tháng 3.1944

CHỤP MÀN HÌNH BUSINESS INSIDER

Vào năm 1943, tướng Dwight Eisenhower, cũng là một người hâm mộ đồ uống này, đã đặt 3 triệu chai Coca đến mặt trận Bắc Phi, đồng thời yêu cầu tiếp tế 6 triệu chai mỗi tháng.

Khi chiến tranh kết thúc, các binh sĩ đồng minh đã tiêu thụ hơn 5 tỉ chai Coca đến từ 64 nhà máy đóng chai trên toàn thế giới.

Phi công Liên Xô trộm tiêm kích MiG-25 đào tẩu đã qua đời

Ý tưởng về “Coca trắng”

Ông Zhukov bắt đầu thích loại đồ uống này sau cuộc gặp với đồng nghiệp Eisenhower, người sau đó kế nhiệm cựu Tổng thống Truman. Tuy nhiên, vị nguyên soái không thể thưởng thức tại quê nhà do những lệnh cấm của Liên Xô. Vào năm 1946, ông đã nảy ra ý tưởng và đánh tiếng với các đối tác phương Tây rằng liệu họ có thể tạo ra một loại Coca không màu, khi điều này sẽ giúp sản phẩm có thể qua mắt cơ quan chức năng, do dễ bị nhầm là rượu vodka.

Yêu cầu đã được chuyển đến cựu Tổng thống Truman và ông đã liên lạc với cựu Chủ tịch Tổng công ty xuất khẩu Coca-Cola James Farley. Coca cuối cùng đã tạo ra thức uống trong suốt khi loại caramel khỏi thành phần. "Coca trắng" đã được đóng vào các chai không dán nhãn. Để hình thức trông thân thiện hơn với Liên Xô, Coca-Cola còn tạo nắp chai trắng với ngôi sao đỏ. Chuyến hàng chở 50 thùng “Coca trắng” đã được chuyển đến Liên Xô từ Vienna, Áo mà không bị kiểm tra.

Rốt cục, đây được coi là cành ô liu hiếm hoi giữa Chiến tranh Lạnh và đến từ mối quan hệ cá nhân giữa các đồng nghiệp thời chiến. Không ai biết hàng chục thùng Coca trắng trên được sử dụng thế nào và câu chuyện này cũng không tác động gì đến mối quan hệ ngày càng đi xuống giữa Liên Xô và phương Tây giữa thế kỷ 20.

Công ty Coca-Cola cũng phải đến năm 1985 mới có thể tiến vào thị trường Liên Xô, chậm hơn đối thủ Pepsi 13 năm. Tập đoàn Pepsi còn là nhân tố trong thương vụ nổi tiếng, khi Liên Xô từng phải bán 20 tàu chiến với trị giá 3 tỉ USD để trả nợ cho Pepsi vào năm 1989, giúp công ty này trong thời gian ngắn sở hữu hạm đội lớn thứ 6 thế giới, trước khi nhanh chóng bán tàu lại cho công ty tái chế Thụy Điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.