Mỹ tung 'vòng kim cô' siết chặt Huawei

15/02/2020 09:00 GMT+7

Mỹ vừa tố cáo Tập đoàn công nghệ Huawei ( Trung Quốc ) đánh cắp bí mật thương mại và hỗ trợ Iran công nghệ theo dõi người biểu tình.

Theo thông cáo đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13.2 (giờ địa phương), bản cáo trạng mới được đệ trình tại tòa án liên bang ở New York (Mỹ), nhằm thay thế cho cáo trạng nhằm vào Huawei từng được công bố hồi năm ngoái.
Trong bản cáo trạng mới, các công tố viên Mỹ đã tố cáo Huawei âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ 6 hãng công nghệ Mỹ và vi phạm Đạo luật chống tội phạm có tổ chức (RICO).

Các tội danh mới

Gia hạn cho Huawei thêm 45 ngày

Bộ Thương mại Mỹ ngày 13.2 thông báo tiếp tục gia hạn giấy phép tạm thời cho phép các công ty Mỹ giao dịch với Huawei thêm 45 ngày nữa, sau khi thời hạn 90 ngày trước đó sẽ kết thúc vào ngày 16.2.
Động thái này nhằm duy trì các thiết bị hiện có và cho phép các nhà cung cấp ở các vùng nông thôn Mỹ có thêm thời gian để tìm giải pháp thay thế. Đồng thời, Mỹ cũng đang cân nhắc các quy định mới để ngăn chặn việc vận chuyển các lô hàng sản phẩm nước ngoài có công nghệ của Mỹ cho Huawei, theo AFP.
Chính quyền Washington cũng tiếp tục gây sức ép lên các quốc gia khác như Anh để loại bỏ Huawei khỏi mạng di động của họ, vì cho rằng thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng cho các hoạt động do thám.
Các tội danh trộm cắp bí mật thương mại mới liên quan đến mã nguồn của bộ định tuyến internet, công nghệ ăng ten di động và robot. Chẳng hạn bắt đầu từ năm 2000, Huawei và công ty con Futurewei Technologies bị cáo buộc chiếm dụng mã nguồn hệ điều hành cho các bộ định tuyến internet, các lệnh được sử dụng để giao tiếp với bộ định tuyến và hướng dẫn sử dụng hệ điều hành, từ một công ty ở Bắc California. Futurewei đã được thêm vào danh sách bị cáo trong bản cáo trạng mới này.

[VIDEO] Mỹ truy tố Huawei tội gian lận thương mại

Huawei sau đó bán các bộ định tuyến ở Mỹ dưới dạng các phiên bản giá rẻ của một công ty Mỹ, theo cáo trạng. Dù công ty Mỹ không được nêu tên, song Tập đoàn Cisco Systems từng khởi kiện Huawei ở bang Texas (Mỹ) năm 2003 về việc vi phạm bản quyền liên quan đến bộ định tuyến của họ.
Huawei cũng bị cáo buộc lôi kéo nhân viên từ các công ty khác, cố lấy được tài sản trí tuệ từ các công ty đó và lợi dụng các giáo sư tại các tổ chức nghiên cứu để có được công nghệ.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr và Phó chủ tịch Mark Warner nói trong một tuyên bố chung rằng: “Bản cáo trạng mới cho thấy các hành động gây tổn hại của một tổ chức bất hợp pháp không hề tôn trọng pháp luật”. Theo Reuters, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ gọi đây là “một bước quan trọng trong việc chống lại tập đoàn tội phạm Huawei”.

Bị tố hỗ trợ Iran

Trong bản cáo trạng mới, giới công tố Mỹ còn tố Huawei can thiệp vào chuyện nội bộ các quốc gia đang bị Washington trừng phạt. Trong số đó, Huawei bị cáo buộc cài đặt thiết bị theo dõi ở Iran, giúp chính quyền Tehran giám sát, nhận dạng và giam giữ người biểu tình trong các cuộc tuần hành chống chính phủ tại Tehran năm 2009.
Ngoài việc Huawei bị cáo buộc “che đậy” hoạt động của mình tại Iran, bản cáo trạng còn chỉ ra hãng này lừa dối các ngân hàng rằng họ không có hoạt động kinh doanh tại CHDCND Triều Tiên.
Thời gian qua, Mỹ phát động cả một chiến dịch chống Huawei, cho rằng công ty Trung Quốc có thể khai thác “cửa hậu” (backdoor) được chủ ý cài trên các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất để theo dõi với mục đích gián điệp. Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5.2019 đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, hạn chế các nhà cung cấp ở Mỹ bán những bộ phận và linh kiện cho hãng, do lo ngại an ninh quốc gia.
Phản ứng trước động thái mới của Mỹ, Huawei ra thông cáo cho rằng bản cáo trạng mới “là một phần của nỗ lực nhằm triệt hạ uy tín của Huawei và hoạt động kinh doanh của tập đoàn vì những lý do liên quan đến cạnh tranh hơn là vấn đề thực thi pháp luật”, theo Reuters.
Huawei cũng từng phủ nhận bản cáo trạng do Mỹ đưa ra hồi tháng 1.2019, trong đó cáo buộc Huawei gian lận ngân hàng, vi phạm các biện pháp trừng phạt chống lại Iran và cản trở công lý.
Phó chủ tịch Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada hồi tháng 12.2018, theo yêu cầu của Mỹ với những cáo buộc đã được nêu trong cáo trạng trên. Vụ việc làm đóng băng mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Bà Mạnh khẳng định vô tội và vẫn đang đấu tranh chống lại luật dẫn độ từ Canada sang Mỹ. Tuy nhiên, cáo trạng mới lần này không nêu thêm cáo buộc nhằm vào bà Mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.