Mỹ, Úc, Nhật cùng lên án hoạt động chèn ép, gây rối ở Biển Đông

03/08/2019 13:31 GMT+7

Ngoại trưởng của ba nước Mỹ, Nhật và Úc vừa ra tuyên bố chung "mạnh mẽ phản đối những hành động chèn ép đơn phương có thể làm thay đổi tình hình thực địa và làm gia tăng căng thẳng" ở Biển Đông

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo (Mỹ), Taro Kono (Nhật) và Marise Payne (Úc) tại Bangkok, nơi họ tới tham dự đợt hội nghị ASEAN mở rộng, theo báo Úc Sydney Morning Herald.
Các bộ trưởng bày tỏ "sự quan ngại nghiêm túc" trước "những báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây rối liên quan đến những dự án dầu khí lâu dài" ở Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra giữa những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-08 (Hải Dương 8) của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Tình hình Biển Đông đã được thảo luận sâu rộng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), đang diễn ra tại Bangkok. Tại diễn đàn này, hôm 31.7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định những hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, theo Công ước luật biển 1982.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính

Ngư dân cung cấp

Tuyên bố chung được đưa sau cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc cho biết cả ba vị "nhấn mạnh cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải", và "bày tỏ quan ngại nghiêm túc về các diễn tiến tiêu cực tại Biển Đông, trong đó có việc triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại trên các thực thể tranh chấp".
Các bộ trưởng cũng "mạnh mẽ phản đối những hành động chèn ép đơn phương có thể làm thay đổi tình hình thực địa và làm gia tăng căng thẳng".
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Nhật Bản ở Bangkok hôm 1.8, Ngoại trưởng Nhật Kono cũng nói tình hình đã "cứ mỗi năm lại xấu đi" và Nhật Bản chia sẻ sự lo ngại với khối ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Ông Kono cũng hối thúc các nước liên quan dùng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, đồng thời ngừng quân sự hóa tại Biển Đông.
Cũng trong một cuộc họp báo ở Bangkok chiều 1.8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chỉ trích Trung Quốc về hành vi “cưỡng ép” ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên (COC) khi ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất lần đọc thứ nhất trong 3 lần đọc của quá trình đàm phán, Mỹ cùng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Trước đó, ngày 31.7, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.
Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982.
Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.