Theo báo cáo mới do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố hôm 28.6, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về không gian mạng và có khả năng giữ vị trí này trước Trung Quốc ít nhất cho đến năm 2030, với sự trợ giúp của các đồng minh phương Tây tiên tiến. Greg Austin, tác giả chính của báo cáo cho biết dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong củng cố năng lực không gian mạng kể từ năm 2014, nhưng vẫn chưa đủ “đủ để thu hẹp khoảng cách” với Mỹ.
Theo South China Morning Post, báo cáo mới đã đánh giá sức mạnh không gian mạng của 15 quốc gia trên bảy chỉ số, bao gồm năng lực tình báo cốt lõi, khả năng dẫn đầu trong các vấn đề không gian mạng toàn cầu, khả năng tấn công, an ninh và khả năng phục hồi. Báo cáo được biên soạn dựa trên dữ liệu từ tài liệu của chính phủ, tài liệu nguồn mở khác và cuộc phỏng vấn với các chuyên gia. Mỹ là nước duy nhất có “thế mạnh hàng đầu thế giới” trong tất cả các chỉ số. Bảy quốc gia bao gồm Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Israel, Nga và Anh nằm trong nhóm thứ hai.
“Lý do chính cho sự vượt trội của Mỹ là vị thế tương đối của nền kinh tế kỹ thuật số, lĩnh vực mà Mỹ vẫn vươn xa bất chấp tiến bộ kỹ thuật số của Trung Quốc”, ông Austin nói. Mỹ đã xây dựng sự thống trị trong không gian mạng kể từ giữa những năm 1990. Sức mạnh của nước này được khuếch đại bởi các mạng chia sẻ thông tin tình báo rất phức tạp, bao gồm cả với các đối tác của Mỹ trong Five Eyes, một liên minh tình báo do năm nước Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand hợp thành.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không nên chủ quan về vị trí hiện tại của mình. “Cách Mỹ đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự cân bằng quyền lực không gian mạng trong tương lai”, ông Austin lưu ý.
Báo cáo cho biết nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh đối đầu quốc tế về không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo trích dẫn quan điểm của Trung Quốc, được vạch ra trong chiến lược quân sự năm 2015, rằng không gian bên ngoài trái đất và không gian mạng đã trở thành “tầm cao chỉ huy mới” trong cạnh tranh chiến lược, và cách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong không gian mạng hồi tháng 3.2020.
Theo kết quả báo cáo, Anh và Israel được đánh giá cao về khả năng an ninh mạng và tình báo cốt lõi, cũng như việc sử dụng các khả năng tấn công. Pháp cũng đạt điểm cao về an ninh mạng và khả năng tiếp cận thông tin tình báo.
Trong khi đó, các nước châu Á lại bị tụt về phía sau. Ví dụ, dù Ấn Độ có nền kinh tế kỹ thuật số lớn, nhưng “bộ máy quan liêu phức tạp” đã làm chậm bước tiến của nước này trong không gian mạng. Iran không ít lần thể hiện khả năng tấn công, nhưng thiếu khả năng phục hồi kỹ thuật số và khả năng sẵn sàng dự phòng do những khiếm khuyết về công nghệ, tổ chức và kinh tế. Indonesia phải vật lộn với mối đe dọa lớn từ tội phạm mạng và khủng bố mạng. Malaysia vẫn chưa phát triển khả năng tấn công hoặc tình báo cốt lõi. Còn Nhật Bản, mặc dù có những công ty công nghệ đẳng cấp thế giới, nhưng khả năng an ninh mạng của nước này vẫn hạn chế. Nhật Bản cũng không thể phát triển khả năng tấn công vì lý do hiến pháp quy định.
Bình luận (0)