Hãng Reuters ngày 5.4 đưa tin Mỹ công bố viện trợ quân sự thêm 2,6 tỉ USD cho Ukraine trong đó có 3 hệ thống radar phòng không, các rốc két chống tăng và xe tải nhiên liệu.
Gói viện trợ vũ khí mới gồm 2,1 tỉ USD từ Sáng kiến Viện trợ an ninh Ukraine (USAI) cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mua vũ khí từ các hãng thay vì lấy từ kho vũ khí.
Mỹ viện trợ thêm 2,6 tỉ USD vũ khí cho Ukraine
Trong gói USAI có thêm đạn dược cho các hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ và các đồng minh đã chuyển cho Kyiv, đạn chính xác, rốc két GRAD, rốc két chống tăng, hệ thống cầu nối bọc thép được sử dụng trong các cuộc tấn công và 105 xe kéo nhiên liệu, cùng với kinh phí đào tạo và bảo trì.
Khoản tiền còn lại đến từ quỹ PDA, cho phép tổng thống lấy từ kho hiện có của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp. Phần này gồm 6 loại đạn dược, trong đó có đạn dược cho hệ thống phòng không Patriot, đạn xe tăng và đạn dược cho hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Mỹ hiện cam kết hơn 35,2 tỉ USD viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24.2.2022.
Nga chưa bình luận về diễn biến trên, nhưng luôn chỉ trích phương Tây làm leo thang tình hình khi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, phương Tây nỗ lực viện trợ Ukraine và giới chức Mỹ cho rằng điều này sẽ giúp Kyiv giành nhiều lợi thế hơn một khi hòa đàm với Moscow.
Đại tướng Mỹ Milley nói Ukraine rất khó đạt mục tiêu thu hồi toàn bộ lãnh thổ trong năm nay
Trong một diễn biến khác, hãng TASS ngày 4.4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga có cả tiềm năng quân sự và ý chí để bảo vệ chủ quyền chống lại mọi mối đe dọa.
"Chúng tôi có quyết tâm. Xã hội của chúng tôi được củng cố trên nền tảng đảm bảo chủ quyền và được bảo vệ để ngăn chặn mọi mối đe dọa và sự xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ", ông phát biểu.
Về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, ông cho biết phía Nga đã nhiều lần đề cập. "Các đối thủ của chúng tôi chỉ đơn giản là phải thực tế về những gì đang diễn ra xung quanh họ và kiềm chế mọi hành động leo thang hoặc khiêu khích chống lại chúng tôi. Bởi vì nếu không, điều gì đó có thể xảy ra mà hiện tại chỉ có thể được thảo luận theo giả thuyết", theo ông Ryabkov.
Ông nhấn mạnh rằng việc điều động vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus là phản ứng tự nhiên sau thách thức và rủi ro gia tăng đối với an ninh Nga.
Vũ khí hạt nhân Nga sẽ đặt gần NATO
Bình luận (0)