Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết giới chức đang nỗ lực tìm ra ngọn ngành của sự việc: "Chúng tôi xem vấn đề này là vô cùng nghiêm túc. Không có lý do gì để báo chữa cho việc các tài liệu này bị công khai. Các tài liệu đó không nên được đưa ra công khai, mà đáng được bảo vệ. Trong quá trình tìm hiểu mức độ của những gì đã xảy ra ở đây, nếu có những động thái cần được thực hiện thì rõ ràng chúng tôi sẽ thực hiện".
Ba quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng các cơ quan an ninh quốc gia đang xem xét cách họ chia sẻ những bí mật nhạy cảm nhất của mình trong chính phủ Mỹ sau khi hàng chục tài liệu mật xuất hiện trên mạng gần đây. Các cơ quan này cũng đang phải giải quyết hậu quả ngoại giao.
Một số thông tin nhạy cảm nhất được cho là có liên quan đến năng lực quân sự và những thiếu sót của Ukraine.
Ngoài ra, thông tin về nhiều đồng minh của Mỹ cũng bị rò rỉ.
Một trong những tài liệu đưa ra chi tiết về các cuộc thảo luận nội bộ giữa các quan chức cấp cao của Hàn Quốc về việc Mỹ gây áp lực buộc Seoul cung cấp vũ khí cho Ukraine và chính sách của nước này là không làm như vậy.
Hôm 10.4, các nghị sĩ Hàn Quốc cho biết họ "rất lấy làm tiếc rằng Mỹ đã theo dõi các đồng minh một cách bất hợp pháp".
Ông Kirby cho biết: "Tôi sẽ không nói về giá trị của tất cả các tài liệu đó. Những tài liệu mà các bạn đã thấy, theo quan sát ban đầu thì có vẻ đã không bị giá mạo. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu giá trị của tất cả các tài liệu mà chúng tôi biết là đã lộ ra".
Trong khi đó, Bộ Tư pháp đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ rò rỉ tài liệu.
Mặc dù đây là vụ rò rỉ thông tin mật nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, giới chức cho biết đến nay, nó không đạt được quy mô và phạm vi của 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2013.
Bình luận (0)