Hơn 86 triệu USD là số tiền mà chính quyền Mỹ đã "vung" cho máy bay do thám ATR 42-500, định dùng nó để chống ma túy ở Afghanistan. Nhưng 7 năm trôi qua, món hàng 86 triệu USD vẫn chưa một lần cất cánh.
Sau khi người Mỹ hao tổn 86 triệu USD, chiếc ATR 42-500 này vẫn cứ ung dung nằm đất giải lao - Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ |
Thật ra thì đơn giá ban đầu của chiếc ATR 42-500 chỉ vào khoảng 1/10 con số kể trên ở thời điểm người Mỹ mua nó vào năm 2008, tức chỉ 8,6 triệu USD. Nó thuộc một chương trình phối hợp giữa cơ quan phòng chống ma túy (DEA) và Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm giúp chính quyền Afghanistan chống ma túy. Lúc đó, DEA tuyên bố rằng chiếc ATR 42-500 sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 3 năm ở Aghanistan với tổng chi phí vào mức 22 triệu USD.
Thế nhưng thanh tra của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 30.3 công bố báo cáo cho thấy sau hơn 7 năm được tậu về, chiếc ATR 42-500 vẫn trong tình trạng không thể hoạt động được, đang nằm ì ở Delaware (Mỹ), theo BBC.
Sau nhiều lần nâng cấp, bảo dưỡng cộng với hàng loạt chi phí "khủng" khác như xây nhà chứa máy bay ở Kabul (Afghanistan), chi phí để "nuôi" con chim sắt chưa một lần bay đã lên đến hơn 86 triệu USD, theo báo cáo kể trên.
Báo cáo đánh giá rằng giới chức hàng không của DEA đã không tính toán kỹ lưỡng về thời điểm, các chi phí cần thiết để vận hành máy bay như thuê phi công, thợ máy, người huấn luyện, phụ tùng...
Đến nay, chỉ có một điều chắc chắn: chiếc ATR 42-500 sẽ không phải bay sang tận Afghanistan nữa, vì chương trình chống ma túy dự định sẽ sử dụng nó đã kết thúc vào năm 2015.
Lính Mỹ tại Afghanistan - Ảnh: AFP
|
Giới chức DEA nay nói với các thanh tra rằng một khi chiếc máy bay sẵn sàng, nó sẽ được chuyển sang họat động ở vùng Caribê và Mỹ Latinh; nhưng đó rõ ràng không phải là mục đích để tốn tiền mua chiếc máy bay ngay từ đầu, theo Bộ Tư pháp.
Vụ bê bối máy bay do thám chống ma túy được công bố chỉ 2 tháng sau khi thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan, ông John Sopko tố cáo Bộ Quốc phòng Mỹ lãng phí hàng triệu USD cho các chương trình tái thiết cẩu thả ở Afghanistan. Chẳng hạn như việc chi đến 6 triệu USD để nhập về đàn dê vàng từ Ý, được cho là giúp ngành dệt vải cashmere ở Afghanistan, nhưng đó là một chương trình rất kém hiệu quả, đến nỗi ông Sopko kết luận còn chưa rõ đám dê vàng đó đã... vào nồi hết chưa.
Hay chi phí đến 43 triệu USD đã đổ ra để xây dựng một trạm xăng ở Afghanistan nếu đem so sánh với một trạm xăng tương tự ở nước Pakistan sát sườn thì thấy cao gấp...140 lần. Thanh tra Sopko cho rằng gian lận và tham nhũng là lý do đẩy chi phí lên tới mức khó tin kể trên.
Bình luận (0)