TNO

Mỹ xoay trục sang châu Á để bảo vệ tiền bạc của Mỹ

13/02/2015 18:36 GMT+7

(Tin Nóng) Việc Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương qua việc tái bố trí đến 60% lực lượng Hải quân và Không quân là để bảo vệ tiền bạc và của cải của nước Mỹ đến và đi từ khu vực này, theo Stars & Stripes (Mỹ) ngày 13.2.

(Tin Nóng) Việc Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương qua việc tái bố trí đến 60% lực lượng Hải quân và Không quân là để bảo vệ tiền bạc và của cải của nước Mỹ đến và đi từ khu vực này, theo Stars & Stripes (Mỹ) ngày 13.2.


Khu trục hạm thuộc Hạm đội 7 Mỹ, chiếc USS Lassen (DDG 82, bên phải) cùng tàu tiếp tế USNS Richard E. Byrd trên biển Hoa Đông ngày 10.2.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Bài báo trên trang tin của Quân đội Mỹ cho biết dù khủng hoảng ở Trung Đông và phiến quân IS chiếm đa số các đầu tin thế giới năm 2014, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn luôn là ưu tiên dài hạn của Mỹ.

Theo bài báo, ngoài Bắc Mỹ, không đâu trên trái đất lại khiến nền kinh tế Mỹ phụ thuộc nhiều bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng ¼ hàng hoá của Mỹ là xuất sang 17 nước nằm ở vành đai Thái Bình Dương, theo cơ quan Thống kê Mỹ.

Hơn 37% hàng hoá Mỹ nhập khẩu là từ 17 nước nói trên, tức ngang với mức nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ cộng lại. Tổng lượng mậu dịch của Mỹ với 17 nước vành đai Thái Bình Dương đã tăng 68% từ năm 2004 đến năm 2013. Và dù Mỹ còn thâm thủng mậu dịch với 17 nước, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang các nước này tăng 28% trong thời gian trên.

Xu hướng tăng trưởng của Mỹ ở châu Á dự kiến sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần, nhưng các nhà phân tích an ninh và kinh tế nói rằng có một ẩn số tiềm năng lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng này, đó là các tham vọng của Trung Quốc.

Vấn đề lớn là liệu Trung Quốc sẽ chứng tỏ là một quốc gia sử dụng quyền lực ngày càng tăng của mình để hòa hợp với các nước; hay sử dụng quyền lực với sức mạnh quân sự để giành các lãnh thổ tranh chấp và khống chế các không gian quốc tế, nơi thông thương của hàng nghìn tỉ USD trong thương mại toàn cầu. "Đây không phải là Trung Quốc chúng ta thấy ngày nay, mà đó là về một Trung Quốc chúng ta sẽ thấy 20 năm tới", bà Sheila Smith, một thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở thủ đô Washington nhận xét.

Sự không chắc chắn xung quanh hướng phát triển tương lai của Trung Quốc đang khiến Mỹ phải tái cân bằng lực lượng quân sự sang châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2020, Hải quân và Không quân Mỹ sẽ bố trí đến 60% lực lượng trong khu vực này theo các kế hoạch hiện tại. Lý do của việc tái cân bằng (xoay trục) này, được các lãnh đạo Mỹ nêu ra, bao gồm cả quyền tự do đi qua các vùng biển và vùng trời trong khu vực.


Máy bay AV-8B Harrier trên tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard trên biển Hoa Đông ngày 11.2.2015, nơi có các hoạt động thường xuyên của Hạm đội 7 Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Nước duy nhất trong khu vực tích cực tranh cãi về quan điểm tự do đi lại của Mỹ là Trung Quốc.

Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích Biển Đông, một khu vực đông đúc, nơi hơn 1.200 tỉ USD lượng mậu dịch toàn cầu đi qua mỗi năm bằng đường biển, theo phát biểu của đô đốc, Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, ông Samuel Locklear tại một hội nghị an ninh ở Singapore hồi tháng 6.2014.

Ngoài ra còn hàng trăm tỉ USD hàng hoá lưu thông với Mỹ qua khu vực biển Hoa Đông, nơi Mỹ có hiệp ước an ninh bảo vệ Nhật Bản, Đài Loan.

Bài báo kết luận rằng mức độ an ninh là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, và làm thế nào để thực hiện nó là vấn đề của cuộc tranh luận dữ dội ở Washington hiện nay.

Tin Nóng

>> Trung Quốc tăng cường quân sự vì khả năng tác chiến kém
>> Hạm đội Trung Quốc ở Ấn Độ Dương: Mộng khó thành
>> Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc phỏng theo tàu đồ chơi của Mỹ
>> Mỹ kêu gọi NATO phát triển vũ khí mới để vượt Nga, Trung Quốc
>> Mỹ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đắp tại các bãi đá ở Trường Sa
>> Chiến lược hàng hải mới của Mỹ liệu có đề cập Trung Quốc?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.