Thứ trưởng Lao động Myanmar, ông Maung Maung Kyaw ngày 8.12 thông báo người lao động nước này tạm thời không sang làm việc tại Malaysia vì lý do an toàn. “Chúng tôi đã yêu cầu các công ty tuyển dụng lao động hợp pháp ngưng xuất khẩu lao động sang Malaysia. Quy định này có hiệu lực từ ngày 6.12”, theo Reuters dẫn lời ông Maung Maung Kyaw. Quan chức Myanmar cho biết chưa rõ quy định mới kéo dài bao lâu.
Hiện có khoảng 147.000 lao động Myanmar làm việc tại Malaysia. Tuy nhiên giới chức Myanmar cho biết con số thực tế còn cao hơn vì nhiều lao động nước này đang làm “chui” tại Malaysia. Trong khi đó, Liên đoàn Doanh nghiệp Malaysia khẳng định quyết định của Myanmar không ảnh hưởng hoạt động sản xuất ở nước này, vì lực lượng lao động quốc tế tại Malaysia gồm có cả người Bangladesh và Indonesia, theo tờ Malay Mail.
Lời qua tiếng lại
|
Động thái trên xảy ra theo sau việc Thủ tướng Najib hôm 4.12 tham gia biểu tình tại thủ đô Kuala Lumpur nhằm phản đối cách chính phủ Myanmar đối xử với người Hồi giáo Rohingya. Tại sự kiện này, ông Najib Razak mô tả tình hình bạo lực liên quan đến người Hồi giáo Rohingya và người bản địa ở bang Rakhine, thuộc miền tây Myanmar, là “nạn diệt chủng”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.
Sau những chỉ trích của ông Najib, phía Myanmar ngày 6.12 đã triệu tập Đại sứ Malaysia Haniff Bin Abd Rahman để phản đối. Theo tờ Eleven của Myanmar dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao nước này, trong cuộc triệu tập trên, Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Kyaw Tin đã bày tỏ thất vọng trước những tuyên bố của lãnh đạo Malaysia. Ông Kyaw Tin bác bỏ các lời chỉ trích về “thanh trừng sắc tộc” và “nạn diệt chủng” của Thủ tướng Najib, đồng thời nói rằng những tuyên bố trên chỉ có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa hai cộng đồng tại bang Rakhine và kích động bạo lực.
Theo ông Kyaw Tin, chính phủ Myanmar đang nỗ lực giải quyết vấn đề ở bang Rakhine, bao gồm cả việc thành lập ủy ban cố vấn do cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đứng đầu và ủy ban điều tra cấp quốc gia. Ông Kyaw Tin cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và đẩy mạnh xây dựng quan hệ tốt hơn giữa hai cộng đồng, thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.
tin liên quan
Malaysia, Myanmar hục hặc vì người RohingyaThủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 4.12 đã tham gia biểu tình phản
đối chính phủ Myanmar trong việc đối xử với người Hồi giáo Rohingya.
Cảnh báo sự xâm nhập của IS
Sự việc trên xảy ra giữa lúc nhiều nước trên thế giới bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực tại bang Rakhine, là nơi sinh sống của người bản địa và người Hồi giáo Rohingya. Ít nhất 86 người thiệt mạng và khoảng 30.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong vụ đụng độ giữa những người Rohingya nổi loạn với lực lượng an ninh nhà nước vào ngày 9.10.
Vụ việc bắt nguồn từ việc một số người Rohingya nổi loạn tự gọi là Al-Yakin Mujahidin, bị nghi có liên hệ với những nhóm Hồi giáo nước ngoài, đồng loạt tấn công nhiều chốt biên phòng khiến 5 cảnh sát và 5 binh sĩ thiệt mạng ở thị trấn Maungdaw thuộc bang Rakhine. Quân đội lập tức được điều động và xung đột giữa hai bên đã diễn ra.
Trong khi đó, nhân chuyến thăm Myanmar hôm 5.12, Tổng tư lệnh quân đội Malaysia, tướng Zulkifeli Mohd Zin nói rằng các quan chức quân đội Myanmar nên xử lý khéo léo vấn đề ở bang Rakhine. Vì vấn đề người Rohingya có thể bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lợi dụng khai thác để mở rộng tầm ảnh hưởng của nhóm tại Đông Nam Á, theo tờ The Star dẫn lời cảnh báo của tướng Zulkifeli.
Tướng này còn cho biết Malaysia xem tình hình ở Myanmar là nghiêm trọng. Tại cuộc gặp trên, tướng Zulkifeli cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN là cần thiết để đối phó với mối đe dọa trên.
Bình luận (0)