Myanmar rối ren chưa có hồi kết

17/03/2021 07:08 GMT+7

Tình hình tại Myanmar bị cho là đã rơi vào bế tắc khi số người thiệt mạng ngày càng gia tăng trong khi giới quan sát nhận định việc khôi phục tình trạng trước chính biến là điều không thể.

Hơn 6 tuần từ khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính quyền dân sự và ban bố tình trạng khẩn cấp, đất nước Myanmar vẫn chìm sâu trong bất ổn. Phong trào bất tuân dân sự vẫn diễn ra trên khắp cả nước và quân đội đã ban bố thiết quân luật tại một số vùng tại thành phố lớn nhất, Yangon. Người phát ngôn Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric ngày 16.3 cho biết ít nhất 138 người biểu tình thiệt mạng từ khi chính biến nổ ra tại Myanmar vào ngày 1.2, dù các tổ chức quan sát cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều, theo AFP.

Khó khôi phục nguyên trạng

Trong khi quân đội tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020 vì lý do gian lận và cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới trong vòng một năm, người biểu tình lại yêu cầu không gì hơn ngoài sự từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát của quân đội. Với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng và thế bế tắc tiếp diễn, giới quan sát nhận định tình hình tại Myanmar khó có thể quay trở lại như thời điểm trước khi xảy ra chính biến.

Nhiều người Myanmar chạy sang Ấn Độ lánh nạn bạo lực

 

Chính phủ song song

Từ sau khi chính biến nổ ra, một nhóm nghị sĩ đắc cử trong cuộc bầu cử hồi năm 2020 đã lẩn trốn và thành lập Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), được coi như chính quyền song song, và bầu cựu nghị sĩ cấp cao của NLD Mahn Win Khaing Than làm “quyền Phó tổng thống”.
Trong bài phát biểu đầu tiên ngày 13.3, ông Khaing Than cho hay CRPH sẽ cố gắng ban hành luật cần thiết để người dân có quyền tự vệ và việc quản lý hành chính công sẽ được một “nhóm điều hành lâm thời của nhân dân” đảm nhiệm. CRPH đang nỗ lực để được công nhận là chính quyền hợp thức và đã gặp đại diện của các tổ chức vũ trang thiểu số, vốn đang kiểm soát một số khu vực rộng lớn ở Myanmar. Chính quyền quân sự đã tuyên bố CRPH là tổ chức phi pháp và bất kỳ ai có liên hệ có thể bị khởi tố về tội phản quốc.
Nhà nghiên cứu xã hội học và nhân chủng học Elliot Prasse-Freeman (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định người dân Myanmar giờ đây không đơn giản chấp nhận trở lại nguyên trạng: công nhận kết quả bầu cử và đưa bà Suu Kyi quay lại mối quan hệ chia sẻ quyền lực không thoải mái với quân đội.
Giáo sư Ardeth Maung Thawnghmung, Chủ nhiệm khoa Khoa học chính trị - Đại học Massachusetts Lowell (Mỹ), nhận định Myanmar đang kẹt vào tình trạng bất ổn, khi quân đội và người biểu tình đều muốn đẩy tình hình về hướng có lợi nhất cho họ. Bước ngoặt có thể xảy ra có lợi cho một trong hai bên tùy vào sự hỗ trợ họ nhận được từ các yếu tố trong lẫn ngoài nước.
“Cuộc hòa giải quốc tế do LHQ hoặc các “ông lớn” trong khu vực dẫn đầu có thể là khả năng được hai bên chấp nhận nhưng điều này khó dẫn đến tình trạng trật tự chính trị trước chính biến”, theo bài bình luận của bà Thawnghmung được công bố bởi Viện Yusof Ishak (Singapore).

Kịch bản lặp lại

Giới quan sát nhận định trong ngắn hạn quân đội Myanmar ngoài việc đối phó với người biểu tình, còn có thể sẽ tập trung gia tăng các cáo buộc đối với đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm thúc đẩy nền kinh tế và ký thỏa thuận ngừng bắn mới với một số tổ chức vũ trang.

Trung Quốc yêu cầu Myanmar bảo vệ sau khi nhiều doanh nghiệp bị đốt phá

Sử gia Thant Myint U, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế và xã hội quốc gia Myanmar (từ năm 2011 - 2015), nhận định với chuyên san Foreign Policy rằng cuộc bầu cử không có bà Suu Kyi hay đảng NLD sẽ là kịch bản lặp lại của năm 2010, khi bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia còn NLD thì bị cấm tranh cử. Kết quả sẽ là một chính quyền của những cựu tướng lĩnh có xu hướng cải cách “dưới lớp áo dân sự”.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), bình luận trên tờ Bangkok Post rằng nếu quân đội Myanmar thành công trong việc dập tắt biểu tình và duy trì quyền kiểm soát, nhiều người có thể sẽ bị bắt giữ hoặc buộc phải tháo chạy. Diễn biến này đồng thời cũng đẩy Myanmar quay ngược lại thời điểm thập niên 1980 - 1990 khi phải hứng chịu các lệnh cấm vận của quốc tế và trở thành vấn đề khó giải quyết của ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.