Diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã giảm 95% sau lệnh cấm của chính quyền Taliban vào năm 2022. Điều này khiến nguồn cung toàn cầu tập trung vào Myanmar, nơi tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội và kinh tế sau chính biến năm 2021 đã khiến nhiều người chuyển sang trồng cây thuốc phiện, theo báo cáo được Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố hôm 12.12, Reuters đưa tin.
Báo cáo cho hay thu nhập của nông dân Myanmar hiện tăng khoảng 75% nhờ trồng cây thuốc phiện, vì giá hoa thuốc phiện trung bình đã đạt xấp xỉ 355 USD/kg và diện tích canh tác đã tăng 18%/năm, từ 40.100 lên 47.000 ha, khiến năng suất đạt mức cao nhất kể từ năm 2001.
"Những biến động về kinh tế, an ninh và quản trị xảy ra sau sự tiếp quản của quân đội (Myanmar) vào tháng 2.2021 tiếp tục thúc đẩy nông dân vùng sâu vùng xa tìm đến cây thuốc phiện để kiếm sống", Đại diện khu vực của UNODC, Jeremy Douglas, cho biết.
Theo báo cáo, vùng trồng thuốc phiện mở rộng nhiều nhất ở khu vực phía bắc bang Shan giáp biên giới với Trung Quốc, tiếp theo là hai bang Chin và Kachin. Trong khi đó, năng suất tăng 16% lên 22,9 kg/ha nhờ việc cải thiện phương pháp canh tác.
Ông Douglas nhận định việc quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số gia tăng giao tranh gần đây rất có thể sẽ đẩy nhanh quá trình mở rộng diện tích trồng thuốc phiện. Chính quyền quân sự Myanmar không lập tức đưa ra bình luận.
Nhóm vũ trang Myanmar chiếm cửa khẩu biên giới, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn
Việc mở rộng diện tích trồng thuốc phiện thúc đẩy các hoạt động kinh tế bất hợp pháp ở Myanmar, bao gồm sản xuất và buôn bán ma túy cũng như rửa tiền và lừa đảo qua mạng.
Bình luận (0)