Kinh nghiệm và quản lý, vận hành BRT ở Việt Nam là chưa có và mặc dù đến năm 2015 mới có tuyến BRT đầu tiên dự kiến đưa vào vận hành,nhưng vấn đề này cần phải được đặt ra ngay trong quá trình đầu tư xây dựng. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải tại các thành phố lớn có sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đô thị, nhu cầu vận tải tăng cao, cầu vận tải vượt cung nên đã biểu hiện một số bất cập. Vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, gây sức ép lên kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Vào thời điểm này, không thể phủ nhận rằng xe buýt ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giá vé xe buýt tương đối rẻ so với các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, các yếu tố khác như thời gian, chất lượng, tính linh hoạt thì còn bất cập, yếu kém như nhiều xe buýt bị hư hỏng, xuống cấp vẫn được sử dụng (trong 3.096 xe buýt đang hoạt động ở TP HCM, có tới khoảng 1.700 - 1.800 xe cần thay thế). Tình trạng xe buýt chạy ẩu trên đường phố cũng gây nên nỗi kinh hoàng cho người tham gia giao thông.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật phân tích: Loại hình phương tiện BRT thích hợp với các trục giao thông có lưu lượng trong khoảng 10-40 nghìn chuyến đi/hướng/giờ. So với các phương tiện chạy trên ray, BRT có nhiều ưu thế hơn: Chi phí thể hiện sự cạnh tranh rõ rệt (bằng khoảng 1/10 đến 1/20 chi phí xây dựng Metro). Và thời gian xây dựng chỉ 2-3 năm (trong khi hệ thống trên ray mất 5-10 năm). Đây chính là lợi thế của BRT sẽ được ưu tiên đầu tư trong tương lai. Hiện tại, một số thành phố đang được đầu tư thí điểm. Dự án BRT tại Đà Nẵng sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới. Mạng lưới tuyến sẽ gồm 4 tuyến BRT, tổng mức đầu tư là 50.2 triệu USD. Công tác đấu thầu mua sắm xe buýt BRT và các thiết bị hỗ trợ cũng được gấp rút hoàn thành để có thể đưa tuyến BRT đầu tiên ở Đà Nẵng vào hoạt động đúng với tiến độ đã cam kết với Ngân hàng Thế giới vào cuối năm 2017. Tại TP.HCMđang triển khai đầu tư, phát triển các hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (như metro, BRT...). Dự kiến đến năm 2018 mới đi vào hoạt động. Tổng mức đầu tư dự án là 142,25 triệu USD và 283,5 tỉ VNĐ (tương đương 13,6 triệu USD), bao gồm tuyến BRT số 1 và dự án BRT Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Tại Hà Nội, hệ thống BRT cũng sắp được triển khai. Hợp phần BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã có tổng chiều dài 14,7 km. Tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất tại Việt Nam: trong quý 2/2015.
Hoàng Vy - Hoàng Vân
Bình luận (0)