Người bán nhiều hơn người mua
Cô T.T (62 tuổi, chủ sạp bán thực phẩm khô) thở dài: “Tôi bán ở đây 30 năm rồi mà chưa năm nào thấy vắng khách như năm nay, mấy tháng nay nhìn quanh chỉ thấy người đứng bán còn người mua đâu không thấy. Mặt hàng tươi sống còn bán chạy chứ tôi bán đồ khô, đồ có sẵn, người ta có thì ăn còn không có thì thôi. Chỉ mong bà “Cô vy” đi nhanh mà thấy tình hình không nổi, năm nay phải nói là quá khó khăn”.
Chợ Tân Định được nhiều người biết đến vì nguồn hàng đa dạng về chất lượng đến số lượng, chính vì nằm ngay vị trí thuận lợi để di chuyển nên thu hút lượng khách nhất định. Những tháng vừa qua do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến lượng khách giảm sút, tiểu thương rơi vào cảnh ế ẩm kéo dài. Bên cạnh đó còn vô vàn chi phí phát sinh khác như tiền thuế, tiền mặt bằng, tiền nước, tiền điện, tiền công nhân viên… khiến nhiều tiểu thương rơi vào tình trạng “than trời”.
|
Một tiểu thương trong chợ giấu tên cho biết: “Nhà hàng, quán ăn không có khách nên rau cỏ bán được lai rai thôi. Mọi năm bán được ba phần thì năm nay chỉ được một phần. Hết đợt dịch lần 1 tôi cứ tưởng ổn định rồi, được một thời gian thì dịch đợt 2 bùng phát làm “te tua” tới giờ luôn”.
Các mặt hàng may mặc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dạo một vòng quanh chợ không khó để bắt gặp được những hình ảnh các tiểu thương ngồi chơi, bấm điện thoại, “tám” chuyện với nhau,… vì không có khách để mời bán.
Chị C.H.H.Trâm (34 tuổi, chủ sạp chuyên bán đồ trẻ em) cho biết thời gian trở lại đây cả ngày chỉ bán được vài bộ đồ. “Khách ghé sạp mua đồ chuẩn bị cho Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán trong năm nay chỉ được khoảng 50% so với mọi năm. Lúc trước cuối tuần vợ chồng tôi thường hay đi chơi, đi ăn ngoài, còn giờ ở nhà tự nấu luôn cho tiết kiệm, đóng tiền học cho con cũng phải dành dụm từng đồng”, chị Trâm cho hay.
Cô T.T.T.Thu (63 tuổi, chủ sạp chuyên bán vải) than thở: “Thời gian này tiền ăn còn không đủ thì làm gì có ai dư dả tính tới chuyện mua vải may đồ. Bình thường cận Tết khách đi mua nhiều lắm nhưng năm nay sức mua không có, tôi chẳng dám nhập hàng mới về. Bây giờ lên chợ chỉ ngồi chơi thôi, chẳng bán buôn được bao nhiêu, không biết sắp tới ăn Tết làm sao”.
|
“Sống chung với lũ”
Dù tình hình phức tạp, buôn bán có phần khó khăn nhưng không ít tiểu thương vẫn trụ lại duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Cô Bích Chi (44 tuổi, chủ sạp bán đồ gia dụng) cho biết: “Giờ cô cũng có tuổi rồi nên cô cũng không thể làm thêm việc gì khác để trang trải nên cũng cố cầm cự”. Cô Chi cũng chia sẻ quan điểm về mặt tích cực chợ Tân Định phần lớn phục vụ khách hàng trong nước với giá cả bình dân nên ít chịu ảnh hưởng từ du lịch.
Những tháng gần đây, hoạt động buôn bán trong chợ dần trở về quỹ đạo dù lượng khách chưa thể cân bằng như lúc trước. Cô Chi thông tin thêm: “Thời điểm này thì bán được bao nhiêu thì bán thôi, hôm nào khách ít quá thì dọn về sớm chứ cũng không dám bỏ ngày nào”.
|
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Hải, Phó Ban Quản lý chợ Tân Định cho biết Ban Quản lý chợ hỗ trợ miễn giảm đối với các tiểu thương theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Ông cho biết thêm đối với một số tiểu thương trong nhóm dịch vụ ăn uống được Nhà nước hỗ trợ 1.000.000 đồng/ tháng. Các tiểu thương cũng chấp hành theo các nghị định miễn giảm, không trông chờ hay yêu cầu thêm bất kì một khoảng hỗ trợ nào.
Lý giải về tình trạng số lượng khách giảm so với mỗi năm, ông Hải thông tin thêm ngoài nguyên nhân dịch bệnh kéo dài, những năm gần đây với sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay các trang bán hàng Online cũng góp phần khiến sức mua ở các chợ truyền thống giảm.
Bình luận (0)