Năm 2020 bạn kiếm bao tiền: Chợ Bình Tây, mong qua năm Trâu để 'cày lại'

23/12/2020 13:12 GMT+7

Thay vì mở cửa xuất hàng đến 18 - 19 giờ tối như nhịp sống bình thường bao năm nay, thì năm Covid-19 hiện nay nhiều sạp hàng tại chợ Bình Tây phải dọn hàng, đóng cửa sớm vì số lượng đơn hàng giảm mà hàng bán tại chỗ cũng không được bao nhiêu.

Chợ Bình Tây (Q.6, hay còn được gọi bằng tên không chính thức là Chợ Lớn) là chợ đầu mối sỉ hàng hóa lớn nhất nhì Sài Gòn đã tồn tại gần 100 năm. Dù vậy, nơi đây vẫn lâm vào cảnh các sạp vắng bóng khách, chỉ có các tiểu thương trò chuyện với nhau trong những ngày thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch thứ ba vừa qua có người nhiễm bệnh sống tại quận 6 nên khu chợ này càng ảm đạm hơn bao giờ hết.

“Có ngày không bán được món nào!”

Nổi tiếng là khu chợ sỉ lớn nhất thành phố nhưng khu vực các sạp bán quần áo, vải vóc, mỹ phẩm, mền gối, bánh kẹo ở tầng trên của chợ Bình Tây hầu như chỉ có người bán và nhân viên bốc xếp hàng đi qua lại, trò chuyện với nhau còn khách thì vô cùng thưa thớt.
Bà Nguyễn Thị Yến (57 tuổi), một chủ sạp bán mền gối liên tục mời chào những người đi ngang ghé xem hàng rồi thở dài khi gần cả tiếng cũng không có khách nào mở hàng. Khi chúng tôi hỏi về doanh thu năm nay, bà Yến cho biết chỉ thấy “tiền ra như nước” chứ không thấy vào bao nhiêu.
“Tầm này năm ngoái là người ta đi sắm đồ rần rần rồi, năm nay còn hai ngày nữa đến noel mà vẫn không thấy khách đến mua. Có ngày tôi không bán được món nào, giờ việc lấy tiền nhà đem ra bù lỗ như “cơm bữa” luôn rồi”, bà Yến thở dài.
Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Bình Tây cố gắng “cầm cự” đến cuối năm1

Khách đến mua hàng thưa thớt ở phía trong chợ Bình Tây

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Bà Yến cũng cho biết, do bán ế quá nên bà con tiểu thương ở đây chỉ biết ngồi tìm thứ để “đổ thừa” cho… vui miệng như: ế do cuối tuần, ế do ngày rằm, ế do quận 6 vừa bị cách ly khi có người nhiễm Covid-19 hồi đầu tháng. “Ngồi than vui với nhau vậy thôi chứ chúng tôi thừa biết tình hình này không còn cứu vãn gì được nữa rồi”, bà Yến nói thêm.
Sạp hàng của bà Yến nằm ngay lối cầu thang đi lên được xem như “mặt tiền” nhưng vẫn không có khách, điều này càng làm cho những sạp hàng khuất phía trong trở nên đìu hiu, ảm đạm, theo đó sạp hàng bánh kẹo của ông Vi Vĩnh Hưng (52 tuổi) cũng không ngoại lệ.
Khi chúng tôi nhắc đến tình hình buôn bán trong năm nay, ông Hưng đáp gọn lỏn: “Chỉ cần nhìn thôi là cũng biết rồi, không cần nói nhiều hen!”. Ông Hưng cho biết, hồi trước khu này có đến 30, 40 sạp bánh kẹo nhưng giờ chỉ còn chừng mười mấy sạp còn cầm cự, trong đó có sạp của vợ chồng ông.
“Năm nay buôn bán mà nói tiếng lời thì hy hữu lắm. Hàng bánh kẹo của tôi là bán trong năm chứ không theo thời vụ như mứt, kẹo ngày tết nên chỉ mong năm nay tổng kết lại lỗ ít thôi, may nữa thì huề vốn là mừng lắm rồi. Mình cũng hiểu là mấy tuần cuối năm cho dù có bán được cũng không thể nào cứu nổi một năm quá “chua chát” này”, ông Hưng bộc bạch.
Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Bình Tây cố gắng “cầm cự” đến cuối năm2

Nhiều sạp hàng ở tầng trên của chợ đã đóng cửa vì buôn bán khó khăn

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Bình Tây cố gắng “cầm cự” đến cuối năm3

Thay vì mở cửa đến 18, 19 giờ tối như mọi lần, hiện nay nhiều sạp hàng tại chợ Bình Tây phải dọn sớm về vì quá ế ẩm

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Ông Hưng cũng cho biết đây là tình hình chung nên vợ chồng ông cũng chấp nhận, mỗi ngày đều dọn hàng ra bán cầm cự được bữa nào hay bữa đó vì “ lớn tuổi rồi, ngoài buôn bán ra thì không biết chuyển qua công việc gì khác”.

“Ráng qua năm con trâu rồi… cày lại”

Chỉ hơn 17 giờ nhưng hầu hết các sạp ở tầng trên của chợ Bình Tây đã tất bật dọn hàng, tắt đèn, đóng cửa ra về. Trong khi đó, những sạp bán kẹo, mứt tết, đồ gia dụng, thực phẩm ở tầng trệt của chợ có phần khá hơn khi vẫn có khách đến mua.
Chị Lê Thanh Thúy (24 tuổi, Q.6) phụ mẹ bán tại sạp hàng gia vị cho biết trước đây mặt hàng đậu phộng, hạt tiêu của chị thường bỏ mối cho các quán bún thịt nướng, quán ốc và các quán ăn là chủ yếu.
“Mỗi khi dịch bùng phát, một số quán ăn nhỏ lẻ phải tạm đóng cửa hoặc nghỉ bán hẳn nên họ không lấy hàng của mình khiến doanh thu cũng từ đó giảm theo. Hiện tại, hàng của tôi chỉ chờ vào những mối cố định “cứu vớt” mới có thể sống tạm ổn qua mùa dịch này, nếu không thì cũng không biết xoay sở ra sao”, chị Thúy buồn bã.
Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Bình Tây cố gắng “cầm cự” đến cuối năm4

Chị Thúy tranh thủ lựa đậu để giao khi có mối đặt hàng trở lại

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Bình Tây cố gắng “cầm cự” đến cuối năm5

Sạp hàng bánh kẹo tết có phần “khởi sắc” hơn

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Chị Thúy cho biết, tuần rồi sau khi khu vực có người nhiễm bệnh gỡ bỏ cách ly thì khu chợ cũng dần đông khách hơn, các mối cũng bắt đầu lấy hàng để bán cuối năm để lấy đà vực dậy sau dịch. Tương tự mặt hàng gia vị của chị Thúy, các sạp hàng bánh mứt cũng khá đông khách đến hỏi mua để chuẩn bị đón tết làm các tiểu thương phần nào được thở phào nhẹ nhõm.
Bà Lê Thị Thu (50 tuổi) bán hàng cho một sạp bánh mứt cho biết vài ngày trở lại đây lượng khách đến mua ổn hơn trước, hàng cũng bắt đầu được xuất đi nhưng số lượng chưa nhiều. Các cửa hàng ở tỉnh cũng chưa dám lấy hàng tết vì tất cả thấp thỏm “không biết dịch có quay lại lần nào nữa hay không”.
“Con “cô vi” này ác quá, quật mấy cái chợ tơi tả luôn. May mắn là khu chợ này xuất hàng sỉ nên bà con tiểu thương còn mối để bán chứ những chợ dành cho khách du lịch như Bến Thành thì mất trắng. Năm 2020 số đẹp quá mà giờ nhìn lại không thấy “đẹp” chút nào, thôi thì ráng qua năm con trâu làm cày lại chứ biết sao giờ”, bà Thu ngao ngán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.