Bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt một năm qua các tiểu thương đều trong tình trạng thất thu, ế ẩm.
Theo nhiều người bán cho biết, ngày trước vào khoảng thời gian này, các mặt hàng may mặc bán rất chạy vì mọi người sắm sửa cho dịp lễ Giáng Sinh và năm mới. Thế nhưng năm nay, cả khu chợ bỗng rơi vào cảnh đìa hiu dù cho không khí Giáng Sinh đang cận kề.
Trả mặt bằng, ngừng kinh doanh vì không cầm cự nổi
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà N.T.K.Nga (62 tuổi, chủ sạp chuyên bán vải) cho biết: “Tình hình sạp của tôi bán chậm dữ lắm, hàng bán giảm cả phân nửa so với năm trước. Lúc dịch thì được giảm nửa tháng thuế, đỡ phần nào. Tưởng hết dịch tình hình sẽ khả quan hơn, nhưng không ngờ vẫn ế ẩm cho tới bây giờ”.
Bà Nga còn nói thêm, trong năm qua cuộc sống gia đình gặp nhiều hạn chế, chi tiêu phải tiết kiệm tối đa mới có thể xoay sở đủ dùng. Đứng trước năm mới sắp đến, tiểu thương lớn tuổi bày tỏ hy vọng: “Tôi cũng mong cho dịch mau chấm dứt để cuộc sống trở lại bình thường, chứ kéo dài như vậy thì mệt lắm”.
|
Dạo một vòng quanh khu chợ, không khó để bắt gặp hình ảnh những sạp quần áo đóng cửa, treo biển trả mặt bằng, tạm ngừng kinh doanh,… Cô N.N.Mai (56 tuổi, chủ sạp chuyên bán dép) than thở ngày trước khách du lịch ghé thăm chợ rất đông, bây giờ dịch bệnh kéo đến chỉ còn khách trong nước ghé mua là chủ yếu. “Gần Tết mà vẫn không có khách để bán, hàng cũ tồn kho rất nhiều nên tôi chẳng dám đặt hàng mới, sợ đặt về rồi cũng không có người mua. Đến tiền công cho nhân viên tôi cũng phải cắt giảm vì năm nay quá khó khăn”.
|
Gồng gánh vô vàn chi phí khác
Là một trong những sạp bán vải lâu năm tại chợ An Đông, anh N.Q.Cường (46 tuổi) thở dài: “Năm nay khách nước ngoài không có nên các mặt hàng bán rất chậm, đợt dịch thuế giảm một ít nhưng mấy tháng nay tiền điện, tiền nước tăng lên. Buôn bán ế ẩm lại cộng dồn nhiều chi phí khiến nhiều người quanh đây phải xin phép đóng cửa vì không trụ nổi tiền thuế”, anh còn tâm sự thêm buôn bán khó khăn đã là tình hình chung của rất nhiều chợ hiện nay.
Không chỉ riêng các mặt hàng may mặc, nhiều chủ sạp thực phẩm cũng chịu chung tình trạng “thất thu”, Chị P.T.Sáu (46 tuổi, chủ sạp bán thực phẩm khô) ngán ngẩm: “Gần tới Noel nên tôi có nhập chút bánh kẹo về bán, ai ngờ cả ngày chỉ được vài người tới mua. Từ đầu năm tới giờ tôi toàn lấy tiền túi đắp vào, mỗi tháng ngoài tiền thuế còn có tiền điện, nước, tiền cho nhân viên nên chẳng biết xoay xở làm sao”.
|
Khu chợ vào 8 giờ sáng chỉ bắt gặp hình ảnh hầu hết các tiểu thương ngồi phe phẩy quạt, tán gẫu, bấm điện thoại,… người đứng bán còn đông hơn lượng người ghé mua. Chị N.N.A (chủ sạp bán đồ khô) than thở: “Lúc trước chợ có nhiều khách du lịch Đài Loan, Trung Quốc ghé thăm nên bán rất được, năm nay dịch bệnh họ không qua được nên hàng chẳng bán được bao nhiêu. Hi vọng năm mới bán buôn ổn định hơn chứ năm nay khó khăn quá”.
Các tiểu thương trong chợ cho biết, năm 2020 vừa qua là một năm kinh hoàng chưa từng có, tất cả các hàng quán đều lỗ trên 50%, có nơi thất thu gần 70% so với năm ngoái. Họ vẫn đau đáu về cái Tết đang cận kề nhưng tình hình buôn bán “chỉ thấy ra chứ không thấy vào”, nhiều tiểu thương bày tỏ niềm hi vọng năm 2021 sắp tới nhiều điều tốt đẹp hơn, dịch bệnh sớm qua mau để việc kinh doanh sớm trở về quỹ đạo bình thường.
Bình luận (0)