Năm 2020 mỗi người dân thu nhập bình quân 2.750 USD

20/10/2020 11:34 GMT+7

Thu nhập bình quân của người dân tăng khoảng 35,6 USD so với năm 2019. Mức tăng thấp so với trước đó bởi tác động tiêu cực của Covid-19 .

Chính phủ vừa gửi báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14. Theo đó, về tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đánh giá quy mô GDP tiếp tục tăng nhưng giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và bình quân giai đoạn 2016-2020.
Năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 263.000 tỉ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500.000 tỉ đồng so với năm 2018);
Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD). Tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%); sản xuất, kinh doanh chỉ cố gắng ở mức duy trì hoạt động, động lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn.

Phấn đấu GDP năm 2020 đạt 3%

Chính phủ cũng đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.
Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Các nhiệm vụ chi cơ bản được bảo đảm, nhất là chi cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Đáng chú ý, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019). Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt sản xuất lúa gạo tăng cả về năng suất, sản lượng, giá bán, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Chỉ tiêu kinh tế ước thực hiện năm 2020

Ảnh chụp màn hình

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong đó có ngành điện tử, dược, vật tư y tế, chế biến thực phẩm, hóa chất, chế biến gỗ... Vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nước được phát huy, là một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn ngành công nghiệp. Cùng với các thành phần kinh tế khác, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước đã phát huy vai trò quan trọng trong bảo đảm ổn định các lĩnh vực trọng yếu và các cân đối lớn của nền kinh tế, phát huy tác dụng đối với đời sống xã hội trong bối cảnh khó khăn.
Đối với xuất khẩu, xuất siêu 9 tháng đạt 16,99 tỉ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 9 tháng tăng 20,2%. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế. Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt trên 21 tỉ USD. "Dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới", Chính phủ báo cáo. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.