Cuối năm 2019, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản Uniqlo đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Điều đó không chỉ minh chứng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn tượng trưng cho sự chuyển dịch hướng của dòng chảy trong tương lai từ “một chiều là sản xuất tại Việt Nam, bán tại Nhật Bản” sang “hai chiều”. Nói cách khác, quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam đã thay đổi trở thành “cùng nhau” nỗ lực trong sự bình đẳng cao hơn.
Chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên
Ông Motegi (65 tuổi, ảnh) được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Nhật Bản hồi tháng 9.2019. Ông Motegi là nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, ông Motegi giữ nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ, bao gồm chức bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại từ năm 2012 đến năm 2014. Tốt nghiệp Đại học Tokyo và sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Harvard, ông Motegi lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện năm 1993 và đến nay đã có 9 lần đắc cử nghị sĩ.
|
Hiện nay, dòng người và hàng hóa đa dạng giữa hai nước đang được tạo ra. Năm 2018 có khoảng 830.000 lượt khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam và khoảng 390.000 lượt khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản, cao nhất trong những năm gần đây. Chưa có số liệu chính thức nhưng con số này trong năm 2019 được ước tính còn tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản rất kỳ vọng vào nguồn nhân lực Việt Nam và mong muốn nguồn lao động chất lượng cao sẽ tiếp tục sang Nhật Bản theo các khuôn khổ khác nhau như: hộ lý, điều dưỡng trên cơ sở Hiệp định EPA Nhật Bản - Việt Nam, thực tập sinh kỹ năng và lao động có kỹ năng.
Việc Nhật Bản và Việt Nam cùng tham gia xây dựng, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là cơ sở để các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Tôi luôn nhớ đến TP.Đà Nẵng vì đây chính là nơi các nước tham gia đàm phán đạt được đồng thuận cơ bản về nội dung Hiệp định CPTPP, và gần đây thành phố xinh đẹp này đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý bên cạnh Hà Nội và TP.HCM. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định thành lập văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng và đưa vào hoạt động trong năm nay.
Nhật Bản sẽ luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương
Năm 2020 cũng là năm Việt Nam đảm nhiệm hai cương vị quan trọng là Chủ tịch luân phiên các nước ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương, mà còn được thể hiện trong việc Nhật Bản và Việt Nam chung tay giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới như vấn đề Triều Tiên, vấn đề Biển Đông. Nhật Bản sẽ luôn ủng hộ Việt Nam tại các hội nghị đa phương của ASEAN và Liên Hiệp Quốc, đồng thời cam kết chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức nhằm hỗ trợ Việt Nam.
Nhật Bản cũng sẽ sát cánh với Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Nhật Bản - Mê Kông để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo tại khu vực, đóng góp cho sự phát triển chủ động và bền vững của khu vực Mê Kông. Năm 2020 là thời cơ vô cùng quan trọng để Việt Nam thực hiện trọng trách lớn lao tại khu vực và trong cộng đồng quốc tế. Đây chính là thời điểm để phát huy chân giá trị của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới. Cùng chung tay, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn lao trên thế giới. Hãy cùng nhau tạo nên một năm 2020 đáng nhớ của hợp tác Nhật Bản - Việt Nam.
Bình luận (0)