Đến giữa tháng cuối cùng của năm 2021, chỉ học sinh khối lớp 9,12 của TP.HCM mới được trở lại trường học trực tiếp |
đào ngọc thạch |
Thay đổi và thích nghi
Covid-19 đến trong năm 2020 như một cơn gió lùa, làm chúng ta ớn lạnh, cảm vài ngày và nuôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn, bình thường trở lại vào năm 2021. Covid-19 bước vào năm thứ hai, 2021 là một trận cuồng phong hất tung, đảo lộn mọi thứ, gây tan hoang và biết bao đau thương, mất mát.
Cuộc sống thay đổi. Những thói quen, suy nghĩ, hành vi, quan điểm… từng được xem là đúng, ổn định trước đây trong phút chốc không còn phù hợp nữa khi Covid-19 không chỉ là vị khách lạ ngoài ngõ mà sầm sập bước chân vào từng căn nhà.
Từ những gì đã diễn ra trong năm 2021, chúng ta càng nhận ra rằng mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng, thậm chí trong những tình huống hết sức bất ngờ nên phải bình tĩnh, có sự chuẩn bị và linh hoạt thích nghi.
Có thể lấy một ví dụ ở lĩnh vực giáo dục để minh chứng điều này.
Để có được hình ảnh bình thường này: Học sinh được đến trường học cùng bè bạn, giáo viên được đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng là cả mấy tháng trời ròng rã trải qua đau thương vì dịch |
đào ngọc thạch |
Trường là nơi học sinh tiếp nhận kiến thức, gặp gỡ bạn bè, thầy cô, trải qua những năm tháng tươi đẹp với những kỷ niệm dấu yêu đi theo cùng năm tháng. Nhưng gần nửa năm qua trường học trở thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly, điểm tiêm ngừa Covid-19… Học sinh, sinh viên phải học ở nhà có khi từ trong phòng ngủ hay gian bếp, thậm chí ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến bằng tất cả những phương tiện nào có được từ máy tính đến điện thoại di động. Giảng viên, giáo viên mướt mồ hôi với bao thứ trước giờ chưa từng biết khi phải dạy trực tuyến quá dài trong điều kiện không thuận lợi và đôi khi trong những hoàn cảnh éo le cho cả người dạy lẫn người học.
Đây có thể nói là một hình ảnh "tiêu biểu" của giáo dục năm 2021 khi học sinh học trực tuyến ở nhà nhiều tháng liền và phụ huynh phải "đóng hai vai" vừa làm cha mẹ vừa làm thầy cô |
đ.n.t |
Chỗ đứng của người thầy không còn là bục giảng, trước bao nhiêu đôi mắt học trò mong chờ tiếp nhận kiến thức mà là trước một màn hình vô cảm với những ô dẫu sáng tên học sinh nhưng không biết được các em tập trung ở mức độ nào. Hình thức học thay đổi nên cách thức truyền đạt, tiếp nhận kiến thức, đánh giá cũng buộc phải thay đổi theo.
Biến động từ thực tế diễn ra quá nhanh đến mức những gì đã chuẩn bị sẵn cũng không theo kịp. Yêu cầu vận dụng công nghệ vào dạy học nếu trước đây còn chần chừ thì nay bằng mọi cách giáo viên phải thực hiện. Có khó khăn, có thử thách nhưng qua 2 năm dịch bệnh, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4, các nhà giáo hiểu rằng giáo dục trong giai đoạn này phải chuyển đổi công nghệ số mới có thể tồn tại và phát triển.
Chỗ đứng của người thầy không còn là bục giảng, trước bao nhiêu đôi mắt học trò mong chờ tiếp nhận kiến thức mà là trước một màn hình với những ô sáng đèn |
đ.n.t |
Trong dòng chảy của những thay đổi ấy, muốn không bị cuốn trôi cần khả năng thích ứng, linh hoạt ứng biến. Phần lớn các nhà giáo và học sinh đã nhận ra điều này và nhanh chóng trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để cùng nhau vượt qua năm 2021.
Tình thương luôn ở lại
Lòng từ bi, tình yêu thương là hoa trái của cuộc đời. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn thì càng nhận ra chính tình yêu thương là điểm tựa để nâng đỡ, dắt dìu nhau làm giảm đi những đau thương, mất mát.
Hình ảnh các tình nguyện viên áo xanh ôm nhau hơn 1 giờ dưới cơn mưa giữa tháng 7 khi TP.HCM chìm trong dịch bệnh khiến cư dân mạng nghẹn ngào |
NVCC |
Qua các đợt dịch Covid-19, đặc biệt trong năm 2021, chúng ta có thể thống kê số ca nhiễm bệnh, khỏi bệnh, số tử vong… nhưng có lẽ không ai đong đo, cân đếm được bao ân tình của từng cá nhân, tập thể, tổ chức… dành cho những phận đời cần giúp đỡ, chở che trong dịch bệnh.
Thanh niên cả nước hướng về tâm dịch TP.HCM bằng những việc làm thiết thực, như gửi tặng nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày dịch bùng phát dữ dội |
PHẠM NINH TÂM |
Ngay những ngày đầu đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ ở TP.HCM, chỉ một lời kêu gọi cần tình nguyện viên của Thành đoàn, hàng loạt người trẻ đã xung phong tham gia. Cứ thế, có những bạn trẻ, sinh viên, học sinh không ngại khó khăn, gian khổ, bệnh tật… miệt mài tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho đến ngày thành phố bỏ giãn cách. Không thể biết được bao bữa ăn cho bệnh nhân, bác sĩ, những người trong khu giãn cách, người lao động nghèo… trong những ngày TP.HCM căng thẳng vì dịch bệnh. Không biết bao nhiêu hàng hóa, rau củ từ bà con, bạn trẻ khắp các tỉnh thành gửi đến TP.HCM trong những chuyến xe mang tên nghĩa tình.
Khi học sinh phải học trực tuyến mà không thể có máy tính, phương tiện hỗ trợ thì không chỉ Chính phủ mà nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng góp sức giúp các em tiếp cận với việc học, rút ngắn khoảng cách trong giáo dục.
Cha và con vui mừng nhận được máy tính bảng trong chương trình "Cùng con học trực tuyến" của Báo Thanh Niên |
đào ngọc thạch |
Nỗi đau lớn nhất mà dịch Covid-19 để lại cho chúng ta là hơn 2.000 trẻ em mồ côi sau đại dịch. Khó có thể làm lành vết thương này nhưng chúng ta có thể xoa dịu bằng tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia và bên cạnh các em vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời như tên gọi từ chương trình của Báo Thanh Niên “Cùng con đi tiếp cuộc đời”. Vì thế, ngoài sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, bao tổ chức xã hội, cá nhân đã chung tay bằng tình yêu thương, sẻ chia chân thành đồng hành các em trong hành trình sắp tới như những người thân.
Tình thương khi sẻ chia sẽ được nhân lên. Chính vì lý do đó mà những bạn trẻ qua những ngày tình nguyện chống dịch đều cho rằng rằng đã nhận được nhiều thứ, trưởng thành hơn và quan trọng họ tìm ra những giá trị đích thực của cuộc sống.
Bạn đọc của Báo Thanh Niên, trao tiền bảo trợ tháng đầu tiên cho các học sinh trong chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" |
n.d |
Qua những xáo trộn trong cuộc sống mà đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2021, chúng ta càng ý thức rõ sự tương duyên trong đời. Vạn vật nương vào nhau để có mặt, tồn tại rồi ẩn diệt nên nỗi đau, mất mát không của riêng ai. Bằng tình yêu thương, chúng ta cùng nương nhau bước tiếp hành trình vào năm 2022.
Kết thúc năm 2020 chúng ta vẫn nhiều mộng mơ hy vọng năm 2021 sẽ không còn Covid-19. Chúng ta, giờ đây, đã “trưởng thành” hơn qua một năm đầy biến động, khốc liệt. Không ảo tưởng, không còn niềm tin mù mờ như trước, không chủ quan vào sức mạnh của mình nhưng cũng không bi quan trước mất mát.
Nhà văn Paulo Coelho, tác giả cuốn sách nổi tiếng Nhà giả kim có viết: "Khi chúng ta nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, mọi thứ xung quanh chúng ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn". Với nỗ lực đó, giã từ năm 2021, chúng ta bình tĩnh bước vào năm 2022.
Bình luận (0)