Năm 2021, TP.HCM giảm các vụ tranh chấp lao động

31/12/2021 16:03 GMT+7

Trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể, nguyên do vì người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ.

Sáng 31.12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn TP.HCM năm 2021.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người lao động, nhất là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khu vực ngoài nhà nước, khu vực lao động phi chính thức.

Về tình hình quan hệ lao động, trong năm 2021 xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể trong những tháng đầu năm với 3.696 người tham gia. Nguyên do chủ yếu phát sinh từ việc người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng. LĐLĐ TP.HCM đánh giá giảm 4 vụ so với cùng kỳ.

Ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, Công đoàn TP.HCM cần phải dành tâm huyết, trí tuệ để thực hiện nhiệm vụ đại diện quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, người lao động

phạm thu ngân

LĐLĐ TP.HCM xác định việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm; năm vừa qua đã đạt nhiều kết quả trong hoạt động giám sát việc trả lương, thưởng tết; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho công nhân, người lao động.

Về công tác chăm lo cho người lao động, nổi bật, hệ thống công đoàn TP.HCM đã triển khai thực hiện các gói hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động như chi hỗ trợ cho hơn 69.000 trường hợp theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với số tiền hơn 111,6 tỉ đồng; hỗ trợ bữa ăn cho hơn 27.000 người lao động tại 213 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”...

Công đoàn các cấp đã thành lập 7.260 tổ an toàn Covid-19 với 30.648 thành viên, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, các cơ quan chức năng trong việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Các hình thức chăm lo được các cấp công đoàn triển khai như: chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, “Siêu thị 0 đồng”, tổ chức đi chợ cho người lao động tại khu cách ly trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp... Tổng cộng đã chăm lo cho hơn 1,3 triệu người với tổng kinh phí hơn 150,8 tỉ đồng.

Trong năm 2021, LĐLĐ TP.HCM cũng đẩy mạnh việc vận động tập hợp người lao động khu vực phi chính thức vào tổ chức công đoàn. Hiện nay, LĐLĐ TP.HCM đang quản lý 19.888 công đoàn cơ sở với hơn 1,3 triệu đoàn viên.

Ông Trần Đoàn Trung đánh giá, trong thời gian đầu TP.HCM giãn cách xã hội, hệ thống công đoàn đã bộc lộ sự bất cập, còn bị động trong việc kết nối, triển khai công tác chăm lo cho người lao động; giá trị cho mỗi trường hợp được chăm lo còn khá khiêm tốn...

Tham dự, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá các hoạt động của các cấp công đoàn TP.HCM thời gian qua đã chủ động cùng cấp ủy chính quyền linh hoạt phòng chống dịch hỗ trợ công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, góp phần đóng góp kết quả kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM.

Ông Trần Văn Thuật lưu ý, Công đoàn TP.HCM cần phải dành tâm huyết, trí tuệ, cân đối nguồn lực hợp lý để thực hiện nhiệm vụ đại diện quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, người lao động; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hoạt động thu hút, tập hợp người lao động, nhất là khu vực phi chính thức vào tổ chức công đoàn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.