Thông điệp "Học thật, thi thật, nhân tài thật"
Ngày 5.6, Chính phủ làm việc với Bộ GD-ĐT về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của giáo dục. Tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Như một nguồn sóng có năng lượng lớn, thông điệp ấy lan tỏa mạnh mẽ, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, cần làm gì để thực hiện tốt nhất chỉ thị của Thủ tướng và là sứ mạng cao cả của ngành giáo dục?
Từ đó đến nay, ngành giáo dục thực hiện như thế nào?
“Học thật, thi thật, nhân tài thật” như một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ |
n.d |
Dạy và học còn nhiều khó khăn, thách thức
Hằng trăm ngàn học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến, chập chờn đường truyền dạy học. Thực tế này đặt ra vấn đề giáo án nào, kiểm tra ra sao, thi tốt nghiệp THPT 2022 thế nào...? Và, như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy ...”.
Bên cạnh phân cấp cho tỉnh/thành phố, với chức năng của mình, ngành giáo dục đã, đang và sẽ làm gì?
Một học sinh ở H.Cần Giờ (TP.HCM) phải ra chòi muối bắt sóng học trực tuyến |
n.v |
Đổi mới kiểm tra, tiếp tục Đề án đào tạo tiến sĩ
Ngày 20.7, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo lộ trình sau: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Thông tư là vậy nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện thế nào khi dạy học trực tuyến và tới đây khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thực hiện cuốn chiếu?
Học trực tuyến kéo dài đặt ra vấn đề thay đổi cách thức kiểm tra |
đ.n.t |
Tiếp sau Đề án 322 với kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng và Đề án 911 với kinh phí được phê duyệt là 14.000 tỉ đồng, năm nay Đề án 89 ra đời nhằm đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ giai đoạn 2019-2030. Đề án này tăng mức đầu tư nhưng hiệu quả thế nào vẫn còn nhiều băn khoăn.
Học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế
Học sinh Việt Nam giành nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021, đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt giải cao nhất với 12 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng và 2 bằng khen (giải Khuyến khích).
Vấn đề đặt ra từ sự kiện này là việc bồi dưỡng học sinh giỏi tới đây như thế nào, các trường chuyên tiếp tục phát triển ra sao, cần những giải pháp nào phù hợp?
Đội tuyển học sinh Việt Nam dự Olympic hoá học quốc tế |
ẢNH BỘ GD-ĐT |
“Mưa” điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp và câu chuyện đề thi môn sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 6-8.7, đợt 2 từ 6-8.8, khoảng 15.000 thí sinh được đặc cách tốt nghiệp. Kết quả kỳ thi này có 24.318 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp (gấp 4,1 lần năm 2020, gấp 19,1 lần năm 2019). Môn giáo dục công dân có 18.680 bài thi đạt điểm 10, môn tiếng Anh có 4.345 bài thi đạt điểm 10, môn sinh là 582 bài, môn địa lý 227 bài…Có 61 thí sinh từ 29,5 điểm trở lên vẫn trượt đại học.
Không chỉ là chuyện xét tuyển, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan tới đề thi, coi thi, chấm thi. Những ngày cuối năm, dư luận dậy sóng trở lại với việc đề thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT giống hơn 90% đề tổng ôn sát ngày thi của một giáo viên.
Những sự việc trên, Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời thỏa đáng.
Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |
Vấn nạn học giả từ câu chuyện Trường ĐH Đông Đô
Trường ĐH Đông Đô đã bán hàng trăm văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh cho người mua dùng để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, nâng ngạch.... Hoa hồng chi cho mỗi cán bộ giới thiệu “khách hàng” là 7 triệu đồng.
Câu chuyện này đặt ra vấn đề bao giờ chấm dứt vấn nạn học giả, thi giả, bằng giả? Trách nhiệm quản lý Nhà nước thế nào khi để xảy ra vụ việc trên?
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô về tội “giả mạo trong công tác” |
t.c |
Hàng loạt giám đốc Sở GD-ĐT ... lao đao
Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam vừa được cho nghỉ hưu trước tuổi vì không đủ uy tín. Nhiều hiệu trưởng dính kỷ luật, như Hiệu trưởng Trường THPT Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) bị cách chức vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tam Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) bị cách chức vì giam học bạ của học trò nghèo ....
Từ đây đặt ra vấn đề: Cần thay đổi công tác quản trị trường học theo định hướng dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam vừa được cho nghỉ hưu trước tuổi |
m.c |
Chuyện phản cảm, lệch lạc, bạo lực trong trường học
Đó là, giảng viên “đuổi” nam sinh ra khỏi lớp học trực tuyến, nói nhiều lời không chuẩn mực; cô giáo ngữ văn xưng mày - tao, chửi rủa một học sinh trong giờ học trực tuyến; thầy giáo của một trường THPT lộ clip nhạy cảm lúc dạy học trực tuyến; nữ giáo viên vật lý lộ ảnh “nóng” trong buổi tập huấn; cô giáo dạy tiếng Anh khỏa thân trong giờ dạy trực tuyến... Nhiều vụ học sinh đánh nhau dã man được ghi lại rồi tung lên mạng.
Câu hỏi đặt ra vậy những lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, những đợt thi thăng hạng có góp phần xây dựng đạo đức nhà giáo?
Vụ việc giảng viên “đuổi” nam sinh ra khỏi lớp học trực tuyến |
ảnh chụp màn hình |
Ngày 8.4, Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, dịp này ông gửi tâm thư tới các thầy cô giáo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục. Bức thư có đoạn viết: “Trồng người là vì cả trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt cho mai sau, nhưng ngay ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây chắc khỏe và cành lá xanh tươi”.
Tiếng lòng của Bộ trưởng, khát vọng của xã hội. Mong trong năm 2022 sẽ giải đáp được những câu hỏi đặt ra từ năm 2021 này.
Bình luận (0)