Năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập thêm trường mới, nhiều thay đổi trong tuyển sinh

22/12/2021 13:01 GMT+7

Năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thành lập thêm 2 trường mới đồng thời có nhiều điểm mới trong tuyển sinh là thông tin được chia sẻ trong hội nghị thường niên của ĐH này vào sáng 22.12.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phát biểu tại hội nghị thường niên sáng 22.12

VNUHCM.EDU.VN

Phát biểu tại hội nghị thường niên sáng 22.12, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), cho hay trong năm 2022, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có việc đổi mới tuyển sinh ĐH và sau ĐH.

Mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức song bằng

Trong năm 2021, theo PGS-TS Vũ Hải Quân, ĐHQG TP.HCM đã có nhiều đổi mới và thích ứng trong công tác đào tạo, cụ thể là linh hoạt chuyển đổi hình thức giảng dạy, kiểm tra từ trực tiếp sang trực tuyến.

Về tuyển sinh ĐH, ĐHQG TP.HCM đã bổ sung phương thức xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất từ các trường THPT; tuyển sinh kết hợp giữa năng lực học tập, bài luận và phỏng vấn cho thí sinh chuyển tiếp quốc tế.

Về kế hoạch năm 2022, ông Quân cho biết ĐHQG TP.HCM tiếp tục thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng linh hoạt tình hình dịch bệnh, mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức song bằng, đào tạo tích hợp.

"Đặc biệt, ĐHQG TP.HCM tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này, thí điểm đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp nhiều tiêu chí", ông Quân nói.

Cụ thể, ĐHQG TP.HCM tăng tối thiểu 40% chỉ tiêu các phương thức xét tuyển ĐH trong kế hoạch năm 2022. ĐH này cũng sẽ mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực bằng cách tăng các địa điểm tổ chức thi cũng như số lượng cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này. Bên cạnh đó, ĐH này tăng tối thiểu 2% số lượng sinh viên được xét tuyển bằng các chứng chỉ và bằng cấp quốc tế.

ĐHQG TP.HCM dự kiến có nhiều đổi mới trong tuyển sinh ĐH và sau ĐH năm tới

VNUHCM.EDU.VN

Với bậc sau ĐH, ĐHQG TP.HCM sẽ xây dựng cấu trúc, bộ đề thi mẫu và thẩm định bộ đề thi mẫu đánh giá năng lực, đồng thời xây dựng quy định về đào tạo song bằng sau ĐH theo đề án đổi mới.

Một điểm mới rất đáng quan tâm trong đào tạo của hệ thống ĐHQG TP.HCM là xây dựng quy định về đào tạo tích hợp từ trình độ thạc sĩ lên tiến sĩ, theo ông Quân.

Trong năm 2021, ĐHQG TP.HCM tiếp tục nằm trong top 801 - 1.000 bảng xếp hạng ĐH thế giới cho năm 2022 (QS World 2022). Đây cũng là ĐH duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng QS-GER 2022 về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới, ở vị trí 301 - 500.

Thêm 2 trường ĐH trong năm 2022

Nói về kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết ĐHQG TP.HCM tập trung vào 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị ĐH; Xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học-công nghệ; Xây dựng khu đô thị ĐH xanh, thông minh, thân thiện.

Từ định hướng và mục tiêu đó, vào năm 2022, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển, trong đó có việc thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường.

Theo kế hoạch, Trường ĐH Khoa học sức khỏe sẽ được nâng cấp từ Khoa Y ĐHQG TP.HCM hiện nay. Còn Trường ĐH Công nghệ môi trường là được nâng cấp từ Viện Môi trường và tài nguyên.

ĐHQG TP.HCM cũng sẽ tiếp tục phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các trường ĐH thành viên đủ điều kiện. Theo ông Quân, đến nay đã có 5/7 trường ĐH thành viên được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, từng bước thiết lập các thiết chế nền tảng để thực hiện tự chủ theo lộ trình.

Tính đến tháng 10.2021, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nộp 43 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Trong đó, có 16 đơn đăng ký sáng chế, 15 đơn giải pháp hữu ích và 12 đơn bản quyền tác giả, bao gồm 2 đơn sáng chế đã được Mỹ cấp bằng bảo hộ độc quyền. ĐH Quốc gia TP.HCM đã triển khai 548 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng doanh thu đạt 116,3 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.