Năm 2023: Có giảm gánh nặng giá sách giáo khoa cho học sinh?

02/01/2023 07:36 GMT+7

Sách giáo khoa mới được bán đúng giá, không còn những 'hạt sạn' là mong chờ của người dân trước những vấn đề bức xúc liên quan sách giáo khoa còn đọng lại trong năm 2022.

Liên quan đến những bức xúc của dư luận xã hội về giá sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới tăng 3 - 4 lần thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan SGK theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh (HS), phụ huynh.

Tại Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Nhà xuất bản Giáo dục VN và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên (GV) và HS. Báo cáo Bộ GD-ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản”. Chính phủ đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ GD-ĐT định giá cụ thể với mặt hàng này khi sửa luật Giá.

Cần rà soát lại danh mục sách giáo khoa để học sinh không phải mua những cuốn sách mà hầu hết người sử dụng phản ánh là không cần thiết

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều ý kiến cho rằng trong khi chờ sửa luật Giá để giảm giá SGK thì Bộ GD-ĐT, trong thẩm quyền của mình, có thể thực hiện ngay những việc để giảm gánh nặng cho người dân. Một trong những việc đó là rà soát lại danh mục SGK, những cuốn sách mà hầu hết người sử dụng phản ánh là không cần thiết và thực tế cũng không dùng đến như các SGK thể dục, hoạt động trải nghiệm, đạo đức… thì cần có văn bản hướng dẫn HS không phải mua. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần sớm trình Chính phủ phương án mua SGK cho HS mượn sử dụng để tránh lãng phí.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng xu hướng thế giới và VN chắc chắn cũng như vậy. Chúng ta phải xác định HS phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ về SGK, nơi thì cấp tiền, nơi thì cho mượn SGK… Ở nước ta, người dân thuộc khu vực nông thôn, miền núi còn rất khó khăn, việc tăng giá SGK gấp 2 - 3 lần cũng như tăng số đầu sách bắt buộc như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ. “Do SGK là mặt hàng đặc thù thì chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách như hiện nay”, ông Long đề xuất.

Để không lặp lại tình trạng có một số cuốn SGK có sạn dẫn tới phải chỉnh sửa, thẩm định lại như các năm qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách theo đúng lộ trình. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK để nâng cao chất lượng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.