Báo cáo Việt Nam 2035 gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập niên tới. Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng thế giới nhận định Báo cáo Việt Nam 2035 thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa sau một thế hệ.
Để đạt được mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, nhằm nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 so với 2.052 USD năm 2014.
Muốn làm được điều này, báo cáo cho rằng Việt Nam cần xây dựng khu vực kinh tế tư nhân có khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên qui mô lớn.
Báo cáo tập trung vào ba vấn đề: nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, nâng cao hiệu quả khu vực công.
Theo đó, muốn nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định Hợp tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp, khu vực chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước, tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường qui hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.
Thứ hai, để thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, báo cáo nhận định là việc không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa diễn ra như vũ bão, đòi hỏi ngày càng cao về lực lượng lao động có tay nghề như hiện nay. Báo cáo kêu gọi Việt Nam tiếp tục tăng cường hòa nhập và công bằng xã hội, tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số, người tàn tật, phụ nữ, và cung cấp dịch vụ cho một xã hội trong quá trình già hóa, đô thị hóa và xuất hiện tầng lớp trung lưu.
Thứ ba, về nâng cao hiệu quả khu vực công, theo báo cáo, cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch, để đảm bảo Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh nhằm bắt kịp sự phát triển của đất nước là điều cần thiết. Cần có qui định rõ ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư, tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực. Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ.
Bình luận (0)