Người dân TP.HCM cũng lội nước và "chạy" sạt lở
Chiều 14.8, trận mưa kéo dài khoảng 2 giờ biến nhiều tuyến đường ở khu vực phía đông TP.HCM thành biển nước. Loạt tuyến đường Lã Xuân Oai, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Đặng Văn Bi, Lê Văn Việt, Hồ Văn Tư... (TP.Thủ Đức), xe máy, ô tô bì bõm lội nước. Có những đoạn đường trũng, nước ngập lút yên xe máy. Người dân hai bên đường phải dùng các tấm nhựa làm đê ngăn nước tràn vào nhà.
Ngập nước không phải chuyện xa lạ đối với người dân ở TP.Thủ Đức cũng như nhiều thế hệ gia đình đã sống lâu năm ở TP.HCM. Nhưng không chỉ ngập, TP.HCM còn đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng và liên tiếp trong thời gian gần đây, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ.
Cụ thể, ngày 24.5, khu vực bờ trái tuyến rạch Lá - Tắc Tây Đen, thuộc địa phận xã Bình Khánh (H.Cần Giờ), bị sạt lở phần đất có chiều dài dọc sông khoảng 12 m, cách mép bờ hiện trạng vào phía trong khoảng 2 m. Khoảng 1 tháng sau, ngày 26.6, công trình kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (P.25, Q.Bình Thạnh) cũng xảy ra sụt lún từ 0,5 - 0,8 m trong phạm vi chiều dài khoảng 120 m; rãnh thoát nước dọc đường bộ hành bị gãy, sụp; mái kè và lan can kè bị đẩy xô ra phía ngoài kênh Thanh Đa khoảng từ 0,05 - 0,9 m và tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực.
Sự cố sụt lún không gây thiệt hại về người nhưng làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của 15 hộ dân và buộc phải di dời khẩn cấp. Đáng chú ý, cả 2 vị trí sạt lở nêu trên đều không nằm trong danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 do UBND TP công bố.
Tại khu vực bờ kè kênh Thanh Đa, Trung tâm quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TP.HCM) ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. Độ lún và chuyển vị đỉnh kè quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính. Lực lượng quan trắc đánh giá có thể hình thành khung trượt ở cả 3 phương với tốc độ 2 cm/ngày. Nghĩa là bờ kênh Thanh Đa mỗi ngày đang sụt lún tới 2 cm.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng phát hiện thêm một vụ sạt lở mới cách cầu Phú Long khoảng 2 km về phía hạ lưu, P.Thạnh Lộc, Q.12. Hiện trạng sạt lở dọc sông khoảng 40 m, sâu 20 m. Ngoài ra, khu vực này có một vết nứt rộng khoảng 6 - 10 cm, với chiều dài dọc sông khoảng 30 m. Nguyên nhân sơ bộ của vụ sạt lở được xác định do triều cường, dòng chảy mạnh và đất nền yếu.
Theo Sở TN-MT TP.HCM, trên địa bàn TP có đến 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 24 vị trí nguy hiểm, tăng 3 vị trí so với năm 2021 và gây ảnh hưởng đến 1.328 hộ dân. Đáng nói, bên cạnh những điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng được đưa vào báo cáo, thỉnh thoảng, người dân lại "hoảng hồn" phát hiện những điểm sụt lún tạo thành những hố sâu vài chục mét trên mặt đường, bên bờ kè hoặc bên tuyến cống gần nhà… Sụt lún, sạt lở đang ngày càng lan rộng tại TP.HCM.
Nam bộ đang "chìm"
Ở bình diện rộng hơn, nhiều chuyên gia tin rằng hiện tượng ngập hay sạt lở có nguyên nhân sâu hơn là do sụt lún mặt đất. Đây không chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM mà diễn ra ở nhiều địa phương khác ở Nam bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng TP.HCM là một trong những TP "chìm" nhanh nhất thế giới. Đơn cử nghiên cứu do Tổ chức Khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature năm 2019, dự báo phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước. Đến 2020, báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) tiếp tục cảnh báo TP.HCM - đô thị lớn nhất của VN - sẽ phải đối mặt nguy cơ thảm họa lũ lụt ngày càng tăng, thậm chí "chìm" dưới nước biển vào năm 2050. Gần nhất, tạp chí khoa học Nature Sustainability vào tháng 9.2022 đã đăng tải nghiên cứu do bà Cheryl Tay (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore) là tác giả chính, đã đưa TP.HCM vào nhóm các TP sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu. Số liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy TP.Jakarta của Indonesia đang lún xuống 4,4 mm/năm trong khi TP.HCM có tốc độ sụt lún gấp tới 4 lần, đến 16,2 mm/năm. Trong đó, khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng sụt lún đất ở cả 2 TP này.
Với khu vực ĐBSCL, các chuyên gia môi trường nhận định nơi đây đang đối mặt với 3 loại thách thức chính: biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thách thức đến từ phát triển thủy điện thượng nguồn Mê Kông; đặc biệt nhất là nhóm thách thức sạt lở, sụt lún. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt. Số liệu đo lún chính thức của Bộ TN-MT, sử dụng 287 mốc chuẩn quan trắc trên khắp vùng ĐBSCL cho thấy tốc độ sụt lún trung bình từ năm 2005 - 2017 lên tới 5,7 cm/năm, gấp gần 20 lần hiện tượng nước biển dâng mỗi năm (3 mm).
Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21. Riêng kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao tại 4 địa phương gồm TP.Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình là hơn 10 cm, trong đó Cần Thơ sụt lún nghiêm trọng nhất (15,49 cm), với tốc độ trung bình 1,31 cm/năm, thấp nhất là Bến Tre (0,55 cm/năm).
GS Matt Kondolf (Trường ĐH California, Berkeley, Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu về ĐBSCL gần đây, cho biết: Tình trạng sụt lún của ĐBSCL nghiêm trọng hơn các vùng châu thổ khác vì tình trạng khai thác nước ngầm phục vụ cho đô thị và cả nông nghiệp. Đến năm 2100, theo kịch bản trung bình sụt lún lên đến 1,8 m và 90% diện tích đồng bằng bị ngập. Khi đó chỉ riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 3,2 tỉ USD/năm. Nghiêm trọng hơn, cuộc sống của 17 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp về chỗ ở và sinh kế. Kịch bản tốt nhất, khi việc khai thác nước ngầm, khai thác cát và xây đập bị hạn chế mạnh, ĐBSCL bị sụt lún là 0,15 m, sẽ làm ngập khoảng 10% diện tích.
Các hiện tượng ngập nước hay sạt lở bờ sông còn xảy ra thường xuyên ở những địa phương có địa hình cao hơn như Đồng Nai, Bình Dương…
Nhanh chóng làm chậm tốc độ chìm
Trong nước, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng thực hiện nghiên cứu về tình trạng sụt lún do PGS-TS Lê Văn Trung và các cộng sự thực hiện. Kết quả cho thấy, 20 năm trước tại TP.HCM, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc Q.6 và Q.Bình Thạnh. Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9 (nay là TP.Thủ Đức), 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Giai đoạn 2002 - 2010, nền đất TP.HCM không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại Q.Bình Thạnh, TP.Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với mức cao nhất lên đến 309 mm.
Theo nghiên cứu, hơn 60% diện tích của TP.HCM có địa hình thấp (dưới 2 m), thấp hơn đỉnh triều ghi nhận được 1,7 m (năm 2017). Vì vậy, tình trạng lún mặt đất không chỉ làm việc ngập nước nặng nề thêm mà còn làm hư hỏng các công trình hạ tầng khác. Theo kịch bản, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50 cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của TP.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho rằng những cảnh báo đã không còn quá xa nữa và những vụ sạt lở, sụt lún vừa diễn ra đang là lời cảnh báo khẩn cấp đối với TP.HCM. Bà Lan phân tích: TP.HCM nói riêng và nhiều tỉnh miền Nam nói chung gần cửa biển, cửa sông, không thể tránh khỏi sạt lở, sụt lún. Mưa to, dòng chảy mạnh có thể làm cho cấu kết vùng ven bờ biển, ven sông, ven kênh rạch thay đổi, dẫn đến sạt lở; triều cường miền Nam có biên độ lớn, tạo dòng triều mạnh cũng có thể làm xói lở kết cấu bờ. Tuy nhiên, trong nửa tháng vừa rồi không có mưa to đột biến; tháng 7 cũng là thời điểm đỉnh triều nhỏ nhất trong năm, sang tháng 8 triều lên cao hơn nhưng vẫn không chạm tới ngưỡng ở mức cao. Có thể thấy, những biến động đột biến từ thiên nhiên không đóng vai trò chủ yếu dẫn đến những vụ sạt lở, sụt lún vừa xảy ra tại TP.HCM.
GS Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường, từng nghiên cứu về tác động của khai thác nước ngầm, cho biết: Khai thác nước ngầm là một trong những nguyên nhân, nhưng sụt lún là quá trình lâu dài. Thời gian qua, việc khai thác nước ngầm đã giảm được 40 - 50% nhờ các nỗ lực cung cấp nước sạch của chính quyền TP. Tuy nhiên, giảm khai thác nước ngầm chỉ góp phần làm giảm tốc độ sụt lún vì các nguyên nhân về hạ tầng, địa chất vẫn chưa giải quyết được.
"Mặt đất bình quân lún 2 cm cùng với nước biển dâng mà chúng ta có thể thấy qua các đợt triều cường gây ngập nặng ở nhiều nơi. TP.HCM có đầu tư một số công trình chống ngập nhưng chưa hoàn chỉnh nên mỗi khi triều cường hay mưa lớn rất dễ gây ngập. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương và các công trình tiêu thoát nước chưa được tốt. Chúng ta cũng phải nói thêm rằng, ngập còn là do ý thức của người dân do tình trạng xả rác, thậm chí ngay tại các hố ga", GS Lê Huy Bá nói.
Để làm chậm thêm tình trạng sụt lún, ngoài việc giảm khai thác nước ngầm, theo ông Bá, cần phải quản lý và quy hoạch xây dựng, giao thông hợp lý. Cần lập bản đồ chi tiết về những nơi có tốc độ sụt lún cao để tránh cấp phép xây dựng những công trình lớn. Bên cạnh đó, hạn chế việc xây dựng các công trình lớn ở khu vực ven sông để chống sạt lở.
Đối với vùng ĐBSCL, một giải pháp quan trọng bên cạnh việc ngừng khai thác nước ngầm là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận tự nhiên. Duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng và thủy lợi. Đầu tư vào các giải pháp "thuận thiên" để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước mặt và duy trì chất lượng của chúng, điều chỉnh nhu cầu nước và tái sử dụng nước.
Ngoài nỗ lực ngay tại vùng ĐBSCL cũng cần sự phối hợp của các nước thượng nguồn và trên toàn lưu vực sông Mê Kông theo hướng hạn chế việc xây dựng các đập thủy điện có tác động lớn, có thể thay thế các dự án thủy điện đã được quy hoạch bằng các trang trại điện gió và điện mặt trời khi có thể. Nếu không, khi xây dựng các đập mới phải có các giải pháp chiến lược giảm tác động đến các vùng hạ lưu. Giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông và quy định nghiêm ngặt đối với tất cả hoạt động khai thác trầm tích, đồng thời giảm nhu cầu sử dụng cát khai thác từ sông Mê Kông bằng các vật liệu xây dựng bền vững và vật liệu tái chế.
Sử dụng nước ngầm vẫn phổ biến
Khai thác và sử dụng nước ngầm là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng nhất gây ra sụt lún. Nhưng việc khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, thậm chí là hoạt động sản xuất công nghiệp, vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương.
Số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho thấy việc khai thác nước ngầm đáng báo động, nhiều khu vực dù đã được lắp đặt đồng hồ nước nhưng các hộ gia đình lại không sử dụng nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan; nhiều đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4 m³ nước. Năm 2022, tỷ lệ khai thác nước ngầm là 16%, trong 5 tháng đầu năm 2023 xấp xỉ 15%. Việc vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch thay vì khai thác nước ngầm được nhận định là quá trình khó khăn, nhiều thách thức.
Bình luận (0)