Nam bộ giảm mưa, nắng nóng đang trở lại

02/11/2024 06:25 GMT+7

La Nina tiếp tục trì hoãn, trong khi ở Nam bộ mùa mưa sắp kết thúc. Theo đó mưa giảm dần và nắng nóng sớm quay trở lại. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11 có khả năng xuất hiện áp thấp gây mưa diện rộng rồi sau đó mùa mưa sẽ kết thúc.

TP.HCM mưa nhiều nhưng vẫn nóng, ĐBSCL nhiều nơi bị ngập

Sau những ngày mưa bão, sấm sét, mấy ngày qua TP.HCM lại nắng nóng, oi bức. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong các dự báo mới nhất thì hiện tượng ENSO vẫn duy trì trạng thái trung tính mà chưa chuyển sang pha lạnh La Nina như các dự báo trước đó. Thậm chí, khả năng chuyển pha sang La Nina ngày một thấp và muộn hơn, có khả năng trạng thái trung tính này sẽ kéo dài đến tháng 12.2024.

Đối với thời tiết ở TP.HCM và các tỉnh thành khu vực Nam bộ, tháng 10 vừa qua ghi nhận mưa xuất hiện nhiều. Số ngày có mưa diện rộng phổ biến từ 20 - 24 ngày, trong đó có nhiều ngày mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Mưa nhiều hơn cùng kỳ do trong tháng chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão là Krathon (bão số 5) trên Biển Đông và bão Trà Mi (bão số 6) ảnh hưởng đến đất liền. Đặc biệt là cơn bão số 6 khiến những ngày cuối tháng 10 xuất hiện mưa lớn diện rộng.

Nam bộ giảm mưa, nắng nóng đang trở lại- Ảnh 1.

TP.HCM bước vào giai đoạn cuối mùa mưa, nắng nóng sắp trở lại

Ảnh: Nhật Thịnh

Dù mưa xuất hiện nhiều nhưng nhiệt độ trung bình phổ biến trên khu vực vẫn cao hơn từ 0,5 - 1,2 độ C so với trung bình nhiều năm. Một số nơi trên xuất hiện nắng nóng với mức nhiệt độ cao nhất vượt 35 độ C. Đáng chú ý, tại Tân Sơn Hòa (TP.HCM) nhiệt độ cao nhất ngày lên tới 36,1 độ C ghi nhận vào ngày 1.10. Còn tại Cà Mau, nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử đến trên 1,6 độ C. Riêng TP.HCM, vào những ngày mưa giảm nắng tăng khiến nhiệt độ gia tăng nhanh chóng. Người dân thành phố dễ dàng cảm thấy nắng nóng khá gay gắt do mức độ đô thị hóa cao khiến chênh lệch giữa nhiệt độ khí tượng và nhiệt độ cảm nhận lên tới khoảng 4 độ C.

Biển Đông có thể đón áp thấp nhiệt đới, miền Trung đón nhiều đợt mưa lớn

Trong tháng 10, bên cạnh mưa lớn diện rộng thì Nam bộ mà đặc biệt là TP.HCM và vùng ĐBSCL còn ghi nhận lũ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường cao khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Ở các đô thị lớn, cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn vì mỗi ngày 2 lần phải đối mặt với việc lội nước đi làm, đến trường vào buổi sáng và về nhà vào buổi chiều tối. Không chỉ thế, với vùng ĐBSCL, tổ hợp thời tiết nói trên khiến cả ngàn héc ta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, một số địa phương ghi nhận thiệt hại nặng do mưa lũ và triều cường trong tháng 10 như Long An có 1.231 ha bị thiệt hại, trong đó có 702 ha bị mất trắng, chủ yếu là lúa ở TX.Kiến Tường và H.Mộc Hóa. Còn tại Trà Vinh, triều cường kết hợp mưa lớn làm sạt lở 5 đoạn đê xung yếu ở xã Kim Sơn H.Trà Cú. Tại Vĩnh Long, có 33 ha cây ăn trái và gần 69 ha rau màu bị ngập; bên cạnh đó có 34 tuyến bờ bao bị nước tràn và 16 tuyến bờ bao bị sạt lở với tổng thiệt hại khoảng 262 triệu đồng.

Dự báo vùng ĐBSCL tiếp tục bị ảnh hưởng bởi triều cường đầu tháng 10 âm lịch. Đỉnh triều cường có khả năng xuất hiện từ ngày 2 - 4.11. Tại trạm Mỹ Thuận có thể vượt mức báo động 3 từ 5 - 10 cm. Còn tại trạm Cần Thơ có thể xấp xỉ mức báo động 3. Mức độ rủi ro thiên tai do ngập vì triều cường trên sông Tiền và sông Hậu ở cấp độ 2.

Cuối tháng khả năng có vùng áp thấp

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 11 trên khu vực Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta, khả năng là 1 cơn. Trong khi đó, hoạt động của không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ, đặc biệt trong 10 ngày đầu tháng, có khả năng gây ra đợt rét đầu tiên trong năm 2024. Khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, tập trung chủ yếu từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to; lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Thông thường, tháng 11 là giai đoạn cuối mùa mưa ở Nam bộ nên lượng mưa có xu hướng giảm dần từ nay đến cuối tháng. Trong tháng này, thời tiết có những sự biến đổi đáng kể bởi sự chi phối của các hình thái khác nhau. Đáng chú ý, trong 10 ngày đầu tháng 11, có 2 đợt không khí lạnh tăng cường xuống Bắc bộ và Trung bộ. Bên cạnh đó là rãnh áp thấp đi qua khu vực Nam bộ, có trục ở khoảng 7 - 10 độ vĩ bắc, nối với những vùng áp thấp trên khu vực giữa hoặc nam Biển Đông. Do rãnh thấp này nên Nam bộ có mưa diện rộng khá phổ biến, có thể xuất hiện mưa từ sáng sớm ngày mai. Sau đó, không khí lạnh chưa suy yếu nhưng mức độ tranh chấp giữa 2 hệ thống bớt đi gay gắt. Mưa giảm bớt, chỉ còn rải rác vài nơi; ngày trời nắng nhiều hơn và nhiệt độ tăng nhẹ.

Trong 10 ngày cuối tháng 11, tiếp tục có 2 - 3 đợt không khí lạnh tăng cường xuống phía nam. Rãnh áp thấp hoạt động mạnh và có xu hướng nâng trục nhẹ lên phía bắc. Giai đoạn này, có khả năng xuất hiện vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông và ảnh hưởng đến thời tiết khu vực ven biển và đất liền Nam bộ. Trong giai đoạn này sẽ xảy ra sự tương tác giữa không khí lạnh và vùng áp thấp khiến dẫn đến thời tiết diễn biến phức tạp và có khả năng xuất hiện một đợt mưa diện rộng trên khu vực.

"Đợt mưa giông diện rộng này kéo dài vài ngày. Sau đó, phần lớn Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa và bắt đầu bước vào mùa khô", ông Quyết nhận định.

Mưa lớn kẹt xe nhiều

Đó là nỗi khổ của người dân TP.HCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung. Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM cho thấy các chỉ tiêu về giảm ùn tắc giao thông trong 9 tháng năm 2024 chuyển biến khá tốt, song, thực tế người dân thành phố ngày càng mệt mỏi vì tình trạng ùn tắc giao thông lan rộng tới nhiều tuyến đường, đặc biệt khi trời đổ mưa.

Nam bộ giảm mưa, nắng nóng đang trở lại- Ảnh 2.

Kẹt xe sau mưa lớn trên đường Điện Biên Phủ (đoạn ngã tư Hàng Xanh)

Ảnh: Nhật Thịnh

Qua theo dõi 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 9, Sở GTVT TP.HCM ghi nhận có 6 điểm chuyển biến tốt, 10 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến. Cụ thể, 17 tuyến đường chịu áp lực lớn nhất TP.HCM lần lượt là: Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Nguyễn Hữu Thọ, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, cầu Kênh Xáng, Trường Sơn, QL1, Phạm Hùng, QL50, Hồng Bàng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt.

Tình trạng trở nên tồi tệ hơn khi trời mưa. Mưa cản tầm nhìn, xe di chuyển chậm, lại thêm ngập nước do mưa và triều cường khiến hầu hết các tuyến đường đều chịu chung cảnh ngộ ùn tắc. Mưa nhỏ kẹt nhỏ, mưa lớn kẹt lớn... khiến người dân thành phố mệt mỏi, ngao ngán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.