Người dân TP.HCM cũng phải mặc áo ấm
Những ngày gần đây, nhiệt độ tại TP.HCM xuống mức thấp, 19 - 20 độ C vào sáng sớm, đến cao điểm trưa cũng chỉ từ 29 - 30 độ C. Chị Nguyễn Mai Phương (ngụ Q.7) tâm sự: Những ngày qua thời tiết ở TP.HCM thật đẹp khi trời mát mẻ kéo dài gần như suốt cả ngày. Thậm chí sáng sớm và chiều tối, mỗi khi đi xe máy trên đường còn phải mặc thêm áo khoác nhẹ để giữ ấm cơ thể. "Trời dịu mát nên cuối tuần qua tôi và một số bạn bè xếp hàng đợi trải nghiệm tuyến metro cũng cảm thấy đỡ vất vả hơn rất nhiều. So với năm 2023, thời điểm Noel nắng nóng gay gắt đến 34 - 35 độ C thì năm nay thời tiết thật đẹp. Ít nhất cũng phải 4 - 5 năm rồi thành phố mới có một dịp lạnh lâu và kéo dài vào dịp cuối năm như thế", chị Mai Phương nói với vẻ thích thú.
Có cùng cảm nhận, chị Dương Thùy Dương (ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Những năm gần đây, mùa Noel trời có lạnh cũng chỉ dịu mát được một vài ngày rồi hết chứ hiếm khi kéo dài lâu như năm nay. Do ở TP.HCM lâu năm nên quen với nắng nóng thường xuyên, khi nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũng bị cảm cúm. Dù có phần hơi bất tiện về mặt sức khỏe, nhưng nhờ trời trở lạnh như thế mà có cảm giác Noel giống thời bé, mới có cảm giác đúng là Noel đang đến và có thể diện áo ấm ra đường. Tôi cũng hy vọng tiết trời này có thể kéo dài thêm để đỡ phải đối mặt với cái nắng nóng của mùa khô hạn ở TP.HCM".
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Cũng khá lâu rồi TP.HCM mới có nhiệt độ xuống thấp như vậy. Ở khu vực Nam bộ, một số nơi như Phước Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) nhiệt độ có thể xuống mức 18 - 19 độ C. Tuy người dân TP.HCM cảm thấy thích thú với nhiệt độ mát mẻ như hiện tại nhưng nó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng tết đặc biệt là cây mai vàng.
Đêm trước Giáng sinh, Nhà thờ Đức Bà, xóm đạo Phạm Thế Hiển kẹt cứng người
"Năm nay Nam bộ lạnh hơn vài năm gần đây là do mùa đông ở phía bắc có cường độ mạnh tăng cường xuống phía nam và khuếch tán xuống Nam bộ. Nếu nhìn ở góc độ khí hậu thì có thể thấy năm ngoái Noel nắng nóng là do đang vào cao điểm của El Nino, còn năm nay khí hậu đang chuyển pha qua La Nina yếu nên mùa đông đang lạnh hơn", bà Lê Thị Xuân Lan giải thích.
Từ nay đến cuối năm 2024 và tháng 1.2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết, trong ngày Noel (24.12), nhiệt độ thấp nhất ở các tỉnh miền Đông phổ biến từ 19 - 22 độ C, một số nơi nhiệt độ xuống dưới mức 18 độ C; còn miền Tây 21 - 23 độ C, có nơi dưới 21 độ C.
Nhiệt độ cao nhất trên khu vực Nam bộ dao động trong khoảng 29 - 31 độ C.
Bão số 10 có giống bão Durian năm 2006?
Trưa qua 23.12, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 10. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Lúc 16 giờ ngày 23.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc và 112,4 độ kinh đông, trên khu vực phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ 5 - 10 km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây bắc khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4 - 6 m; biển động mạnh. Vùng biển từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 3 - 6 m; biển động mạnh.
Đến 16 giờ ngày 25.12, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, trước đây ở Trung và Nam bộ, mùa mưa bão thường bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 11. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu nên mùa mưa bão thường kéo dài sang tới tháng 12, thậm chí là tháng 1 của năm sau tùy theo tình trạng La Nina mạnh hay yếu. Cơn bão số 10 lần này khiến mọi người nhớ đến bão Durian năm 2006. Sự hình thành và đường đi của cơn bão lần này cũng khá giống với bão Durian. Tuy nhiên, bão Durian hình thành đầu tháng 12.2006, còn bão số 10 năm nay muộn hơn khoảng 3 tuần. Bão Durian đi vào đất liền, trong khi bão số 10 sẽ nhanh chóng suy yếu trên Biển Đông do không khí lạnh tăng cường.
"Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và như năm 2023 là El Nino, nên nhiệt độ nước biển ở khu vực phía nam bán cầu vẫn còn ấm. Đây là một trong những điều kiện hình thành bão muộn như hiện nay. Thông thường bão ít khi hình thành ở khu vực có vĩ độ thấp như bão số 10. Đây chính là sự biến đổi bất thường của thời tiết. Phân tích những yếu tố này để thấy rằng chúng ta không nên chủ quan trước các diễn biến thời tiết, vì hiện tại các hiện tượng cực đoan nhiều và không còn tuân theo quy luật. Ngoài bão số 10, trong những ngày đầu năm 2025, phía đông của Philippines có thể hình thành một cơn bão và không loại trừ khả năng vào Biển Đông. Tuy nhiên, đây là dự báo xa và còn phải cập nhật tiếp những diễn biến tiếp theo", bà Xuân Lan khuyến cáo.
Thời tiết cả nước dịp Giáng sinh năm 2024
Trong khoảng thời gian từ ngày 24 - 25.12, ở các tỉnh miền Bắc đêm mây nhiều, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, ngày trời nắng nhẹ; nhiệt độ đêm và sáng ở khu vực trung du và vùng núi phía bắc phổ biến từ 11 - 13 độ C, khu vực đồng bằng Bắc bộ từ 14 - 16 độ C; ban ngày nhiệt độ từ 20 - 23 độ C. Từ đêm 25.12 có mưa, mưa nhỏ rải rác. Khu vực Trung và Nam Trung bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to; khu vực Tây nguyên và miền Đông Nam bộ mưa rào và giông.
Thời tiết cả nước dịp tết dương lịch 2025
Khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời nhiều mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều hửng nắng; nhiệt độ đêm và sáng ở khu vực trung du và vùng núi phía bắc phổ biến từ 11 - 14 độ C, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến từ 14 - 17 độ C; ban ngày nhiệt độ từ 20 - 23 độ C.
Khu vực Trung Trung bộ có mưa rào, tập trung về đêm và sáng. Khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ phổ biến ít mưa, ngày trời nắng.
Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Bình luận (0)