Nắng "cháy" cả mùa xuân
Nhiều người dân vùng Nam bộ cho biết nắng nóng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động du xuân, đón tết vì mất nhiều thời gian ở trong nhà để… trốn nắng. Chị Trần Thúy Hà, ngụ tỉnh Bình Phước, chia sẻ quê chị là một trong những địa phương thường hứng chịu nắng nóng nhất Nam bộ nhưng đã lâu rồi chị mới lại thấy nắng gay gắt ngay trong những ngày tết như năm nay. Mới hơn 9 giờ sáng mà đã nắng cháy da, rồi nắng nóng càng lúc càng gay gắt, nhiệt độ lên tới 36 - 37 độ C và kéo dài đến gần 5 giờ chiều mới bắt đầu dịu lại. Vào chiều tối, dù nắng đã tắt nhưng trời vẫn hầm hập, khô rát rất khó chịu.
"Vì nhà có con nhỏ, mà nắng gay gắt nên việc thăm viếng, chúc tết họ hàng cũng bị hạn chế. Bản thân tôi bị viêm xoang nên cũng đau đầu thường xuyên dù đã hạn chế ra đường. Ngay những ngày trong mùng mà nắng đã thế này thì vào tháng 3, tháng 4 chắc sẽ càng khốc liệt hơn", chị Hà lo ngại.
Anh Nguyễn Thanh Trung, ở Đồng Nai, cho biết: Sau khi kết thúc 3 ngày xuân ở quê với cái nóng "như trong lò nướng bánh", anh trở lại TP.HCM để chuẩn bị đi làm lại vào ngày mùng 6. Sáng mùng 4, anh hẹn bạn bè đi cà phê ở khu vực trung tâm và chụp ảnh đường hoa Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc cà phê đầu năm thì mọi người đã nhất trí "ai về nhà nấy", hủy cuộc chụp ảnh vì trời quá nắng. Toàn bộ những cuộc hẹn hò, họp mặt đều được dời lại vào buổi tối. "Mình nhớ lúc đó mới hơn 9 giờ sáng mà mặt trời như rọi pha vào mặt, xem dự báo thời tiết trên điện thoại thấy đến 33 độ C. Có thể vì nắng nóng mà đường sá thành phố trong những ngày qua càng thêm vắng vẻ", anh Trung nói.
Nhiều người dân ở các tỉnh miền Tây cũng nhận xét tết năm nay nóng nhất trong nhiều năm gần đây. Nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 1 và kéo dài suốt những ngày tết, kèm theo đó là gió mạnh.
Hàng ngàn người đội nắng đợi đến giữa trưa để vào chùa cầu an ngày vía Ngọc Hoàng
Theo khảo sát của Thanh Niên, trong những ngày đầu năm mới, đường sá ở TP.HCM thông thoáng do phần lớn người dân đã về quê hoặc đi du xuân nhưng một phần cũng vì không ít người hạn chế ra đường do nắng nóng gay gắt. Khu vực trung tâm thành phố, từ 10 giờ đến 15 giờ chỉ lác đác những khách du lịch người nước ngoài và các anh shipper hối hả mưu sinh. Vào buổi tối, tranh thủ thời tiết dịu mát, nhiều người đổ về khu vực trung tâm thành phố để tham quan, chụp ảnh ở đường hoa Nguyễn Huệ, hội sách…
Nắng nóng sớm, gay gắt hơn vì El Nino
Thông thường vào mùa khô hằng năm, các áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây di chuyển sang đông và ảnh hưởng đến VN. Các đợt nóng đầu tiên ảnh hưởng đến Nam bộ và sau đó là các tỉnh miền Trung và Bắc. Năm nay, do tác động cộng hưởng bởi hiện tượng El Nino khiến tình trạng nắng nóng càng thêm gay gắt.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong ngày 15.2 (mùng 6 tết), nhiệt độ cao nhất tại Tân Sơn Nhất lên tới 36 độ C và độ ẩm thấp nhất chỉ 35%. Những ngày qua, tại TP.HCM nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 36 độ C. Khu vực chịu ảnh hưởng nắng nóng gay gắt gồm các quận, huyện: 1, 3, 4, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Tân, Hóc Môn, 12, Củ Chi, 7, TP.Thủ Đức…
Hiện tại, Nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu mùa khô đến nay. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận lên tới 38 độ C vào ngày 15.2 tại Biên Hòa (Đồng Nai). Trong khi đó ở các tỉnh miền Đông phổ biến từ 35 - 37 độ C và miền Tây 35 - 36 độ C. Trong những bản tin nắng nóng đầu tiên, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo nắng nóng có thể kéo dài đến ngày 18.2 (mùng 9 tết); nhưng cập nhật mới nhất vào chiều qua cho thấy nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm 5 ngày tới, tương ứng khoảng ngày 23 - 24.2. Các tỉnh miền Đông, nhiệt độ phổ biến từ 35 - 38 độ C, các tỉnh miền Tây phổ biến 35 độ C. Như vậy, đợt nắng nóng này có thể kéo dài đến trên 10 ngày, vào ngày 20.2 nhiệt độ tại Đồng Nai có thể lên tới 38 độ C.
Thời điểm năm 2023, đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên vượt 37 độ C xảy ra vào ngày 8.4, nhiệt độ cao nhất tại Sở Sao (Bình Dương) là 37,5 độ C, Biên Hòa (Đồng Nai) 37,4 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 37,2 độ C. Như vậy, có thể thấy năm nay nắng nóng đến sớm hơn năm ngoái hơn 1 tháng và nhiệt độ cao nhất của đợt nóng đầu tiên cao hơn 0,5 - 0,6 độ C.
Nếu so với những năm El Nino mạnh như 2015 - 2016, 2019 - 2020, thì năm 2023 - 2024 nắng nóng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể tháng 2 của các năm 2016, 2020 nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ là 37 độ C, cũng tại Biên Hòa.
Nắng nóng ở Đông Nam Bộ khả năng kéo dài đến cuối tháng 2
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin trong tháng 1 và đầu tháng 2 đã xuất hiện một số đợt nắng nóng cục bộ tại khu vực miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, trong 2 tháng qua nhiều nơi có giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ. Hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì từ nay cho đến tháng 3, từ tháng 4 - 5.2024 El Nino có xu hướng suy yếu nhanh và chuyển dần sang trạng thái trung tính. Tại khu vực tây bắc Bắc bộ và Trung bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 - 5.2024, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia khí tượng cho hay mùa nắng nóng năm 2023 nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 38,7 độ C vào đầu tháng 5. Với xu hướng nắng nóng gia tăng như hiện nay thì mùa khô năm nay sẽ còn nhiều đợt nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao nhất có thể lên tới khoảng 39 - 40 độ C ở miền Đông và miền Tây là 37 - 38 độ C. Tháng 4 cũng là thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng Nam bộ nên nắng nóng sẽ rất gay gắt. Nhiều đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ phổ biến 35 - 38 độ C.
Cần bảo vệ sức khỏe, phòng chống cháy nổ
Do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Đối với nhiều người du xuân và trở về TP.HCM trong những ngày tới cần đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe. Đối với những người từ miền Bắc trở vào TP.HCM và các tỉnh Nam bộ cần đặc biệt lưu ý sự chênh lệch nhiệt độ cao dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Xâm nhập mặn cao, mưa muộn
Trong tháng 1.2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ranh mặn 4g/l ở các sông Vàm Cỏ từ 55 - 60 km, vùng cửa sông Cửu Long từ 35 - 45 km, sông Cái Lớn từ 25 - 30 km.
Khu vực Tây nguyên và Nam bộ từ tháng 3.2024 phổ biến ít mưa, sang tháng 4 tổng lượng mưa thấp hơn từ 20 - 40 mm so với trung bình nhiều năm. Tháng 5, tổng lượng mưa thiếu hụt từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Bình luận (0)