Nam bộ nắng nóng vượt lịch sử

09/04/2024 06:33 GMT+7

Ngày 7.4, nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ lên tới 39,2 độ C, trở thành ngày nắng nóng nhất kể từ đầu mùa khô đến nay. Mức nhiệt này chỉ mới gần bằng năm 1998, năm kỷ lục nắng nóng, nhưng nhiệt độ cảm nhận đã vượt xa.

"Trời nắng nóng hơn năm 1998"

Đầu tuần này, câu chuyện từ quán cà phê buổi sáng tới bàn cơm trưa phần lớn đều xoay quanh chủ đề nắng nóng. Chị Nguyễn Thu Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) nói: "Không hiểu vì sao 2 ngày cuối tuần vừa rồi nắng nóng khủng khiếp. Từ sáng sớm tới tối khuya lúc nào cũng nóng, còn từ trưa đến chiều thì cứ tưởng tượng như đang trong lò nướng bánh mì. Ở trong phòng máy lạnh để nhiệt độ 24 độ C mà vẫn không thấy mát, thật khủng khiếp. Nắng nóng tới mức không thiết tha ăn gì, chỉ thích uống thật nhiều nước, nhưng vẫn không thấy đã khát".

Tại TP.HCM, nhiệt độ cảm nhận thường xuyên vượt 40 độ C vào giờ cao điểm

Tại TP.HCM, nhiệt độ cảm nhận thường xuyên vượt 40 độ C vào giờ cao điểm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn anh Trần Văn Sơn (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể ngày nào anh cũng đi làm về qua khu vực cầu vượt Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh). Có nhiều ngày vào lúc 4 - 5 giờ chiều mà bảng quảng cáo nơi này vẫn hiển thị nhiệt độ 35 - 36 độ C, có ngày đến 37 - 38 độ C. "Tôi cũng thật sự tò mò nếu như vậy thì lúc giữa trưa, nhiệt độ thực tế ở khu vực này và TP.HCM sẽ là bao nhiêu?", anh Sơn thắc mắc.

Khảo sát nhiều tài xế taxi công nghệ được biết vào những ngày cao điểm nắng nóng như vừa qua, nhiệt độ ngoài trời tại TP.HCM theo thông báo của xe thường dao động từ 42 - 43 độ C. Những khu vực nắng nóng gay gắt nhất là trung tâm thành phố như Q.1, Q.3 và Q.4, khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất và một số nơi ở Q.Tân Bình, Q.Tân Phú…

Nam bộ nắng nóng vượt lịch sử

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mấy ngày qua nắng nóng gay gắt xuất hiện ở Đông Nam bộ với mức nhiệt nhiều nơi lên 38 - 39 độ C. Mức nhiệt cao nhất là 39,2 độ C ở Đồng Phú (Bình Phước). Đây là mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong mùa khô năm 2024. Nhiều địa phương khác ghi nhận tình trạng nắng nóng đặc biệt gay gắt như: Trị An (Đồng Nai) là 38,4 độ C, Tà Lài (Đồng Nai) 38,3 độ C, Phước Long (Bình Phước) 38,2 độ C… Tại Tây nguyên, nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Ayunpa (Gia Lai) là 38,2 độ C. Ở ĐBSCL, nhiệt độ cao nhất 37,5 độ C là tại Vĩnh Long.

Giải thích về hiện tượng nắng nóng hiện nay, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Mức nhiệt độ khí tượng hiện nay đã rất gần với mốc nhiệt độ lịch sử ở Nam bộ năm 1998, nhiệt độ cao nhất là 41 độ C ở Bình Phước, còn tại TP.HCM lên đến 39,6 độ C. "Đây là điều tôi cũng đã dự báo từ đầu mùa khô năm nay. Mùa nắng nóng năm nay vẫn còn kéo dài đến đầu tháng 5. Trong những đợt nắng nóng sắp tới, một số nơi có thể đạt mức lịch sử như năm 1998", bà Lan nói và lưu ý năm nay nhiệt độ ngoài trời hay nhiệt độ cảm nhận thực tế cao hơn hẳn năm 1998. Cảm giác nắng nóng và oi bức hơn, thời gian nắng nóng trong 1 ngày kéo dài hơn và số ngày nắng nóng gay gắt trong tháng cũng nhiều hơn. Nguyên nhân là do mức độ bê tông hóa cao, số lượng phương tiện giao thông nhiều hơn, lượng máy lạnh được sử dụng cũng tăng mạnh.

Bà Lan khuyến cáo: Bên cạnh nắng nóng, cường độ bức xạ của tia cực tím cũng gia tăng, ngoài ra mức độ ô nhiễm bụi mịn trong không khí cao. Những yếu tố đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như người lớn tuổi và trẻ em, người lao động tay chân và làm việc ngoài trời. Người dân cần uống bù nước, ăn nhiều rau quả để bù nước, tăng sức đề kháng. Hạn chế tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao vì có thể đối mặt với tình trạng kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

Nhiều số liệu khí tượng đã vượt lịch sử

Theo tài liệu của Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm 1998 tuy không phải là năm xảy ra thiên tai nguy hiểm nhất nước ta nhưng diễn biến thuộc loại phức tạp nhất, nhiều loại thiên tai nhất và nhiều kiểu cực trị đối nghịch nhau trên các vùng.

Đối chiếu những ghi chép lịch sử với thực tế năm 2024 có thể thấy nhiều điểm tương đồng hiện tại.

[Nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt độ trung bình tháng 3 vượt giá trị lịch sử

Nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt độ trung bình tháng 3 vượt giá trị lịch sử

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ

Cụ thể, theo tài liệu trên, nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước đều cao hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng này kéo dài liên tục từ tháng 11.1997 đến hết năm 1998. Cũng là trường hợp duy nhất trong dãy số liệu quan trắc được ở nước ta trong hơn 100 năm qua, đã xảy ra hiện tượng nắng nóng "trái mùa" ở nhiều nơi, nhiệt độ trung bình tháng có nơi cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5 - 2,5 độ C.

Báo cáo mới đây từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong tháng 3, khu vực miền Đông Nam bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong đó, ngày 26 - 27.3 nắng nóng xuất hiện diện rộng và lan sang cả khu vực Tây Nam bộ. Đặc biệt, trong tháng 3 có đến 13 lần nhiệt độ cao nhất, vượt lịch sử. Chẳng hạn, ngày 5.3 tại Hà Tĩnh ghi nhận mức nhiệt tới 39,4 độ C trong khi vào tháng 3.2023 là 38,5 độ C.

Đáng kể nhất là ngày 26.3 cùng lúc có đến 4 địa phương ghi nhận mức nóng lịch sử mới. Cụ thể, tại Đắk Nông là 37,1 độ C trong khi mức nóng lịch sử là 36,5 độ C ghi nhận được từ năm 2016. Tại Cát Tiên (Lâm Đồng) là 37,8 độ C, mức cũ 37,5 độ C cũng năm 2016. Tại Phước Long (Bình Phước) nhiệt độ 38,8 độ C trong khi mức lịch sử 38,3 độ C vào năm 1998. Thổ Chu là 36,1 độ C, còn mức lịch sử là 36 độ C vào năm 2022.

Còn theo tính toán của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong tháng 3 có đến 26 trạm đo khắp Nam bộ ghi nhận mức nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, Phước Long (Bình Phước) có mức nhiệt trung bình tháng 3 cao hơn đến 1,8 độ C so với trung bình nhiều năm. Hay tại Châu Đốc (An Giang), nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm là 1,6 độ C.

Một đặc điểm khác là tình trạng nắng nóng đến sớm và kéo dài nhiều ngày liền. Năm 1998, ở Nam bộ từ cuối tháng 1 đã xảy ra một vài ngày nắng nóng, nhiệt độ một số nơi đạt 35 - 37 độ C, tại TP.HCM lên tới 37,4 độ C vào ngày 28.1. Đợt nắng nóng trên diện rộng ở Nam bộ kéo dài từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4. Nắng nóng xảy ra mạnh nhất ở khu vực miền Đông sau đó lan sang các tỉnh miền Tây. Toàn bộ khu vực này, nắng nóng kéo dài suốt 3 tháng, chỉ xen kẽ một vài ngày nhiệt độ về dưới mức 35 độ C. Đây là hiện tượng hiếm thấy ở Nam bộ. Trong tháng 3, nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM là 39,4 độ C và Đồng Phú (Bình Phước) 40,6 độ C cùng được ghi nhận vào ngày 29.3.

Nhiều địa phương trong cả nước nhiệt độ cao nhất tháng 3 vượt lịch sử

Nhiều địa phương trong cả nước nhiệt độ cao nhất tháng 3 vượt lịch sử

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Tình trạng tương tự cũng lặp lại vào năm 2024, nắng nóng và nắng nóng gay gắt cũng bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 1 (trước Tết Nguyên đán). Từ đầu tháng 2 đã xảy ra nắng nóng diện rộng và ghi nhận mức nhiệt độ cao lịch sử đến 38 độ C ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đến đầu tháng 3 ghi nhận mức nhiệt cao nhất đến 38,5 độ C và bước sang đầu tháng 4 vượt 39 độ C.

ĐBSCL còn 2 đợt mặn xâm nhập sâu

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết: Hiện tại các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch (từ thứ hai đến thứ năm tuần này). Đây là một đợt mặn xâm nhập sâu với cường độ khá mạnh. Tiếp theo sẽ còn một đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch. Đợt này, do tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nước nên mặn còn xâm nhập sâu và mạnh hơn; có thể là đợt mặn xâm nhập cao nhất trong năm nay. Nắng nóng, xâm nhập mặn sâu làm cho tình trạng khô hạn, thiếu nước càng gay gắt hơn từ nay đến đầu tháng 5. Đối với miền Trung, mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết tháng 8.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.