Lần đầu Nam bộ se lạnh
Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023 đến nay, người dân TP.HCM cảm nhận được tiết trời se lạnh. Chị Nguyễn Ngọc Hà (ngụ Q.7) cho biết: "Những năm trước, trời lạnh thường xuất hiện trước Noel một vài tuần. Có nhiều năm nhiệt độ chỉ còn mười mấy độ, ra đường phải mặc áo ấm. Lần này thì gần như ngược lại. Suốt cả tháng 12 và qua đầu năm 2024, trời lúc nào cũng nắng nóng gay gắt, đợi suốt nhưng chẳng thấy ngày nào mát mẻ. Tôi và nhiều người quen cứ nghĩ Nam bộ sẽ bước vào mùa nắng nóng luôn thì bỗng dưng mấy ngày gần đây trời lại se lạnh vào tối khuya và kéo dài đến khoảng 7 - 8 giờ sáng hôm sau, buổi trưa cũng có gió nhẹ, ít nóng hơn trước. Tiết trời dễ chịu này hy vọng có thể kéo dài để xua bớt không khí nóng bức thời gian qua và cũng giúp mọi người có thể làm việc tốt hơn cho những ngày cuối năm".
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết ngày 15.1 nhiệt độ thấp nhất ở TP.HCM là 22,5 độ C và cao nhất là 32 độ C. Toàn khu vực Nam bộ, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 21 - 24 độ C, cá biệt tại Tà Lài (Đồng Nai) chỉ 18,6 độ C; nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 30 - 33 độ C, Tây Ninh cao nhất 33,3 độ C.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, giải thích: Không khí lạnh tăng cường khuếch tán sâu về phía nam tác động tới thời tiết Nam bộ. Kết hợp với đó là áp cao cận nhiệt đới những ngày qua có vị trí qua khu vực Nam bộ. Hệ thống áp cao trên cao này là dòng phân kỳ, không khí chuyển động đi xuống, làm hạn chế quá trình bốc hơi. Do vậy không đủ điều kiện hình thành mây, trên bầu trời về ban đêm, sáng sớm trời ít mây khiến phát xạ nhiệt diễn ra khá mạnh mẽ.
Đây là hiện tượng mặt đất nhận năng lượng bức xạ mặt trời ban ngày, nguồn nhiệt này phát xạ trở về khí quyển vào ban đêm, sáng sớm, nếu ngày có nhiều mây, quá trình phát xạ chậm hơn, hay nói cách khác quá trình mất nhiệt chậm hơn. Cho nên Nam bộ đã có đợt giảm nhiệt, tạo nên tiết trời se lạnh về khuya và sáng sớm. Một số nơi phía bắc miền đông của Nam bộ như Tà Lài đã có nhiệt độ dưới 19 độ C suốt từ hôm 12.1 tới nay.
Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, giai đoạn chính đông kéo dài từ tháng 1 - 2 hằng năm nên hiện nay không khí lạnh từ phía bắc tràn vào nước ta thường xuyên hơn và khuếch tán xuống tới Nam bộ là điều không có gì lạ. Cũng do đang vào cao điểm mùa đông, nên từ nay đến Tết Nguyên đán khả năng sẽ có thêm nhiều đợt lạnh và nhiệt độ có thể giảm hơn mức hiện tại. Đối với mùa đông năm nay, vào thời điểm đầu mùa có tình trạng các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về nước ta bị kéo lệch đông về hướng Hàn Quốc, Nhật Bản làm cho cường độ các đợt không khí lạnh yếu nên không ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh thành phía nam.
"Hiện tại, chúng ta cũng đang sống trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khả năng số ngày và cường độ lạnh sẽ giảm. Tuy nhiên, cần lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường", bà Lan nhận định.
Sẽ còn một số đợt lạnh, có nơi dưới 18 độ C
Ông Lê Đình Quyết cho biết: Trong ngắn hạn 7 ngày tới, áp cao lạnh có cường độ ổn định và suy yếu dần. Đến khoảng ngày 21 - 22.1, không khí lạnh có khả năng được tăng cường trở lại. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới lấn tây trở lại và hoạt động mạnh dần, vị trí trục qua khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ. Do đó, thời gian này sáng sớm trời vẫn se lạnh. Còn từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh tác động tới các tỉnh phía bắc, gây nhiệt độ thấp, sóng lạnh sẽ tác động khuếch tán sâu xuống các tỉnh Nam bộ. Do đó, Nam bộ sẽ vẫn xuất hiện những buổi đêm, sáng sớm có nhiệt độ thấp 20 - 22 độ C, miền Đông Nam bộ có nơi xuống dưới 18 độ C.
Xem nhanh 12h: Dự báo thời tiết
Từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 - 2, Nam bộ thỉnh thoảng có đợt nhiệt độ không khí xuống thấp. Đối với TP.HCM, có năm nhiệt độ không khí thấp nhất xuống dưới 16 độ C. Diễn biến kiểu thời tiết này phụ thuộc vào hoạt động chủ yếu của hệ thống áp cao lạnh lục địa cực đới (không khí lạnh) cường độ mạnh, khuếch tán sâu xuống phía nam sẽ làm nhiệt độ không khí các tỉnh Nam bộ, nhất là các tỉnh miền Đông và TP.HCM giảm.
"Thời gian diễn ra có năm sớm, năm trễ, cũng phụ thuộc hoạt động của các hệ thống thời tiết ở phía bắc. Riêng năm nay số ngày có kiểu thời tiết se lạnh xuất hiện đến thời điểm này là ít hơn so với cùng kỳ hằng năm, mức nhiệt độ không khí cũng chưa xuống quá thấp, có thể cũng có phần đóng góp của hoạt động El Nino", ông Quyết nói.
Năm 2023 nóng nhất lịch sử nhưng năm 2024 còn nóng hơn
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết dữ liệu khí tượng từ 6 trung tâm uy tín của thế giới đặt tại Mỹ, Nhật Bản và EU đều chính thức xác nhận năm 2023 là năm ấm nhất từng được ghi nhận, với mức chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng 1,45 độ C so với mức nhiệt độ giai đoạn tiền công nghiệp (1850 - 1900). Trong đó, tháng 7 và 8 là hai tháng nóng nhất được ghi nhận.
Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia tìm cách duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Trên thực tế, kể từ những năm 1980, nhiệt độ trung bình của mỗi thập niên sau đều cao hơn thập niên trước. Chín năm qua là kỷ lục ấm nhất. Năm 2016 xảy ra hiện tượng El Nino mạnh và năm 2020 cũng được xếp vào năm nóng kỷ lục, với mức nhiệt tăng tương ứng là 1,29 độ C và 1,27 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: "Sự chuyển dịch từ La Nina sang El Nino đã làm khí hậu ấm lên từ giữa năm 2023 được phản ánh rõ ràng qua sự gia tăng nhiệt độ so với năm ngoái. Vì El Nino thường có tác động lớn nhất đến nhiệt độ toàn cầu sau khi đạt đỉnh nên năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Chúng ta phải cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo".
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhận định: "Hành động của con người đang thiêu đốt trái đất. Năm 2023 chỉ là một bản xem trước về tương lai thảm khốc đang chờ đợi nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ. Chúng ta phải ứng phó với tình trạng nhiệt độ tăng kỷ lục bằng hành động đột phá để tránh thảm họa khí hậu tồi tệ nhất. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ với tham vọng cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C".
Bình luận (0)