Nam Cao - Tô Hoài chia sẻ từ trang viết đến cuộc đời

23/09/2016 06:04 GMT+7

Tình bạn giữa Nam Cao và Tô Hoài đã gắn bó từ thuở mới bước chân vào làng văn và còn gắn bó lâu dài mãi về sau này.

Từ thầy trò thành bạn tri kỷ
Tác giả Dế mèn phiêu lưu ký là người cẩn trọng chữ nghĩa, đi nhiều, quảng giao, quan hệ rộng. Đọc Tự truyện, Chiều chiều, Cát bụi chân ai... có thể thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, có một bạn văn cùng thời, ông luôn nhắc đi nhắc lại với giọng văn tình cảm, trìu mến: Nam Cao.
Tô Hoài “vào nghề” lúc truyện ngắn Nước lên được đăng Báo Hà Nội tân văn. Bấy giờ, năm 1938, Nam Cao đang là thầy giáo dạy học Trường tư Công Thành ở làng Thụy Khuê, Hà Nội. Tô Hoài đến học thêm tiếng Pháp. “Tôi gọi anh là ông giáo Tri. Nam Cao biết tôi ít tuổi hơn anh, văn hóa kém anh nhưng về sau anh thấy tôi đã viết được truyện đăng báo. Tôi nghĩ việc đó có thể khuyến khích anh. Nam Cao đã đỗ bằng “đíp lôm” thích viết văn, thế mà đến nay vẫn lận đận”, Tô Hoài cho biết. Từ đây, hai người trở thành đôi bạn tri kỷ. Chia sẻ buồn vui từ trang viết.
Cuộc đời nhà giáo của Nam Cao không kéo dài. Ít lâu sau, ngày 22.9.1940, Pháp nhục nhã cúi đầu ký kết hiệp định chấp nhận phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương. Trường tư Công Thành bị đóng cửa vì lính Nhật trưng dụng làm chuồng ngựa!
Tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đã nhớ lại tháng năm này: “Mấy năm nay, Nam Cao thất nghiệp vì trường học phải đóng cửa đã về ở nhà tôi. Chúng tôi ở trong một gian bên kín bưng, cái gian nhà ngày trước có những thầy giáo bên đạo đã ở, chỉ trổ một vuông cửa sổ tí tẹo, thành gạch sâu và im ắng đến nỗi bất chợt thò tay có thể nắm được đuôi chú chim sẻ đương than vãn ngoài hốc tường... Mỗi tháng, chúng tôi bận viết vào mấy ngày cuối tháng. Có khi, chúng tôi phải viết đổi tay cho nhau mới kịp. Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều, mấy trang cũng được”. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác.
Thời gian này, năm 1941, Nam Cao đã viết được truyện vừa Cái lò gạch cũ, tức kiệt tác Chí Phèo. Sau khi viết được truyện ngắn Cái lò gạch cũ, Tô Hoài cho biết, bạn mình đã cầm bản thảo bán cho ông Trác Vỹ, chủ Nhà xuất bản Đời Mới. Dăm ngày sau, đến dò hỏi thế nào, ông này nói với Nam Cao rằng, cái tựa cũ không “ăn khách” nên nhờ nhà văn nổi tiếng nhất bấy giờ là Lê Văn Trương đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Do Nam Cao đang là cây bút mới, sợ độc giả không chú ý nên ông Vỹ mới thuê nhà văn đang nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Ngựa đã thuần rồi mời ngài lên viết lời giới thiệu. Có điều khá hài hước là khi sách in xong, ngoài bìa người ta in tên Lê Văn Trương to gấp mấy lần tên Nam Cao. Âu cũng là một cách “tiếp thị” trong thị trường sách thuở ấy. Từ Đôi lứa xứng đôi, tên tuổi Nam Cao bắt đầu được công chúng biết đến. Ông tiếp tục viết thêm những truyện ngắn đặc sắc khác như Dì Hảo, Nửa đêm...
Nơi Nam Cao nằm xuống cũng có tên Vũ Đại
“Bấy giờ, đang là cây bút viết thường xuyên cho Nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, tôi mách mối, ông Tân Dân mời Nam Cao viết truyện thiếu nhi và truyện ngắn”, Tô Hoài kể. Không chỉ thế, qua Vũ Bằng - người này đang ăn lương của nhà Tân Dân điều hành tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy, tác phẩm Nam Cao đã lần lượt được in nhiều và tên tuổi được bạn đọc biết đến. Tuy nhiên, nghề viết văn thuở ấy vẫn không thể đủ sống, nếu không muốn nói là túng thiếu.
Tình hình chính trị ngày càng ngột ngạt, oi bức như đang báo hiệu một cơn sấm sét sẽ đến. Tô Hoài đã bí mật tham gia Hội Văn hóa cứu quốc của Việt Minh. Ông có “giác ngộ” một số bạn văn, tất nhiên không thể thiếu Nam Cao: “Tôi đưa báo bí mật Cứu quốc, Nam Cao đọc chăm chú”. Cùng chí hướng như bạn, Nam Cao bắt đầu viết những bài về tình hình chính trị theo yêu cầu của đoàn thể. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, năm 1947, Nam Cao để vợ con ở Hà Nam, lên Bắc Kạn làm Báo Cứu quốc chung với Tô Hoài.
Vợ Nam Cao tên Sen - Trần Thị Sen, trong khi đó, tên thật của tác giả O chuột cũng tên Sen - Nguyễn Sen. Bà Trần Thị Sen cho biết: “Hai anh quấn quýt nhau lắm. Lúc anh Nam Cao còn sống, anh thường ước sau này hai gia đình sẽ trở thành sui gia”. Sáng 30.11.1951, Nam Cao bị giặc Pháp bắn chết tại gốc cây bàng trước nhà thờ Mưỡu Giáp rồi ném xác xuống ao. Nhắc lại lúc khốn khó sau khi chồng mất, bà Trần Thị Sen còn cho biết thêm con trai Nam Cao được Tô Hoài đem về chăm sóc, cho đi học. “Đặc biệt, tôi rất biết ơn anh chị Tô Hoài đã giúp đỡ tôi rất nhiều”, bà nói.
Có một điều lạ lùng không lý giải được: trước đây khi viết Chí Phèo, Nam Cao đã hư cấu ra một làng tên là Vũ Đại, nhưng ông không ngờ khi mình chết lại được chôn ngay trên đất làng Vũ Đại (H.Gia Viễn, Ninh Bình) có thật trên bản đồ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.