Nắm cát vàng từ Hoàng Sa

19/01/2019 06:54 GMT+7

Năm 2011, ngư dân Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khiến không ít nhà báo ngỡ ngàng khi tung một loạt ảnh do hai cha con ông chụp tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Có thể nói, đó là những bức ảnh hiếm hoi của một người Việt Nam chụp được kể từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.
Bạch Quy là một cồn cát nằm trên vành san hô của một rạn san hô vòng của nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu của ngư dân Lý Sơn mỗi lần hành nghề ngoài vùng biển Hoàng Sa đều ngang qua đây. Các ngư phủ coi đây như một “trạm nghỉ chân” trong những chuyến hải hành ra vô Hoàng Sa.
Mai Phụng Lưu kể, năm 1984, trong chuyến “xuyên tết” đầu tiên ra Hoàng Sa, ông đã đặt chân lên hòn đảo này. Năm đó Lưu 20 tuổi và chưa một lần ăn tết giữa biển.
Bắt đầu từ năm 2005, câu chuyện “tàu lạ” xua đuổi, bắt bớ, đánh đập ngư dân Lý Sơn của Trung Quốc luôn nóng trên các trang báo. Bản thân Mai Phụng Lưu cũng đã 4 lần bị bắt, lúc thì bị thu hết cá và ngư lưới cụ, khi thì bị nhốt trên đảo Phú Lâm để đòi tiền chuộc. Ông nghĩ, với đà này thì việc ra Hoàng Sa sẽ ngày một khó khăn hơn, dù luôn dặn lòng quyết không thôi bám biển, Lưu quyết định chụp loạt ảnh về đảo Bạch Quy này.
Cứ vào mùa hè, rùa biển về đây đẻ rất nhiều. Có lẽ dựa vào đặc điểm đó nên người ta đặt tên cho đảo là Bạch Quy chăng? Đây cũng là hòn đảo nằm trong số hơn 20 đảo lớn nhỏ của quần đảo Hoàng Sa có bãi cát dài nhất. Mai Phụng Lưu và hai người con của mình đã “tác nghiệp” thay cho các nhà báo để ghi lại những tấm ảnh hiếm hoi này. Cha con ông cũng không quên lấy nguyên một bao cát từ hòn đảo ấy về.
Đất của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đã được Lưu mang về như một kỷ niệm sau hàng ngàn chuyến hải hành ra Hoàng Sa của ông. Nắm đất pha cát màu vàng như tên gọi “Hoàng Sa” giờ được trưng bày tại “Bảo tàng Hoàng Sa” do những người bạn yêu Hoàng Sa ở Quảng Ngãi lập ra tại TP.Quảng Ngãi.
45 năm qua, Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm phi pháp. Bao cát mà Mai Phụng Lưu mang về từ Hoàng Sa luôn nhắc chúng ta hãy nhớ một phần đất đai của ông bà đang rơi vào tay kẻ khác, phải luôn được hâm nóng để đòi lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.