Năm của danh hiệu di sản: ‘Của để dành không nhất thiết phải bày ra hết’

18/02/2015 17:18 GMT+7

(TNO) Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(TNO) Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phóng viên Thanh Niên Online có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đinh Hồng Hải về “của để dành” di sản.
Một năm nhiều danh hiệu di sản, ông nghĩ gì về di sản văn hóa Việt Nam trong năm qua?
Tôi thấy vừa vui vừa buồn! Vui vì cha ông chúng ta đã để lại cho con cháu nhiều di sản văn hóa đặc sắc mà sự công nhận của UNESCO chính là sự công nhận những tài sản quý báu mà người xưa đã gìn giữ và trao lại. Nhưng tôi cũng thấy buồn vì chúng ta chưa thực sự hiểu những giá trị vô giá đó nên có hành động phô trương quá mức cần thiết. “Của để dành” mà tổ tiên trao lại không nhất thiết phải bày ra hết cho thiên hạ! Hãy nghĩ xem nếu con cái chúng ta cứ phô ra với hàng xóm tất cả sắc phong, lư hương, vàng bạc, châu báu… thậm chí cả giấy tờ nhà đất mà ông bà để lại thì có đáng lo không? Cha ông ta đã dạy “có của thì phải biết giữ”, đó là biết sử dụng và phải sử dụng đúng cách, chứ mang cả “sổ đỏ” Phong Nha - Kẻ Bàng mà thế chấp thì thật khó chấp nhận.
Di-san-van-hoa-cua-nhan-loaiDân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Khánh Hoan
Sơn Đoòng đã phải đối mặt với việc khai thác du lịch đại trà. Hang Đầu Gỗ được dùng để tổ chức hòa nhạc trong khi khí thải trong hang đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Tràng An cũng đang chịu sức ép du khách lớn từ Bái Đính. Ông nghĩ sao về việc nên có ngưỡng khai thác di sản. Chúng ta có nên giới hạn số lượng khách vào di sản không?
Dường như chúng ta chỉ nghĩ đến khai thác mà chưa chú trọng đến vấn đề khai thác như thế nào? Trên thực tế, các quốc gia giàu di sản như Ấn Độ, Pháp, Ý… có doanh thu rất lớn từ du lịch không phải vì họ đã khai thác tối đa di sản đó mà là họ biết cách tôn vinh, bảo tồn và khai thác đúng cách. Chẳng hạn thành phố du lịch Venice nổi tiếng của Ý đã đầu tư một nhà máy điện sử dụng toàn bộ chất thải của thành phố và cấm thuyền máy đi lại trong khu du lịch, lượng du khách cũng được điều tiết… Tất cả những việc làm đó đều lấy kinh phí từ thành phố và doanh thu nhưng lại là một cách tái đầu tư để nâng tầm giá trị của di sản. Hạ Long hay Tràng An của Việt Nam đẹp không kém gì Venice nhưng nếu cứ khai thác ồ ạt như hiện nay thì hệ quả xấu với các di sản này chắc chắn sẽ đến.
Đã có cuộc tranh cãi về việc mang âm nhạc vào biểu diễn tại Hoàng Thành Thăng Long. Ông nghĩ sao về việc này. Đó có phải là cách để người trẻ tiếp cận và phát triển tình cảm với di sản không?
Tôi thấy tình trạng “ăn theo di sản” của chúng ta rất đáng quan ngại. Khi chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về giá trị của di sản thì việc sử dụng không đúng cách sẽ gián tiếp làm hại di sản. Cần phải hiểu rằng, một chiếc bát sứ đời Minh có giá hàng triệu đô la được nhà sưu tập mua về để trưng bày chứ không phải dùng để ăn hàng ngày.
Thế hệ trẻ có đủ trí thông minh và phương tiện hiện đại để tìm hiểu về di sản. Tình cảm của họ gắn liền với sự hiểu biết của chính họ về di sản. Thay vì bắt họ thưởng thức một loại hình nghệ thuật không có liên quan gì đến di sản đó, chúng ta nên đầu tư vào giáo dục để họ hiểu hơn, trân trọng hơn đối với những gì tổ tiên đã trao lại. Khi đã đủ hiểu và trân trọng thì mặc nhiên họ sẽ có ứng xử đúng cách.
Các di sản phi vật thể được tôn vinh, song nghệ nhân vẫn không có chế độ, không được tạo điều kiện trao truyền hiểu biết. Theo ông, đấy có phải là chính sách di sản không chăm gốc mà cắt ngọn không?
Đúng vậy, nếu chúng ta cứ khai thác than, dầu để bán, khai thác di sản nhằm tăng cao doanh thu mà không nghĩ đến việc bảo tồn và phát huy thì cũng giống như việc con cái chúng ta cứ mang tài sản của ông bà, bố mẹ đi bán dần. Cha ông ta có câu “Của để dành để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân”, nếu chúng ta cứ phung phí tài sản theo cách của những kẻ cờ bạc thì sẽ có ngày con cháu chúng ta nối gót theo con cháu công tử Bạc Liêu, nói cách khác, đó là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Theo ông, có phải chúng ta đang đối mặt với đứt gãy văn hóa, đứt gãy di sản không. Chúng ta cần làm gì để tránh điều đó?
Trong bối cảnh “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” như hiện nay thì càng phô trương chúng ta càng có nguy cơ đánh mất tài sản vô giá mà cha ông ta đã trao lại. Hủy hoại di sản văn hóa cũng như đánh mất truyền thống văn hóa không chỉ làm đứt gãy văn hóa mà còn là có tội với tổ tiên. Chắc chắn trong chúng ta không một ai muốn con cháu mình mang đồ thờ quý giá của gia tộc đi bán để mua siêu xe. Theo tôi, chỉ khi nào chúng ta hiểu và bảo vệ di sản của quốc gia như cách mà chúng ta gìn giữ nhà thờ họ hay mồ mả tổ tiên thì khi đó di sản của quốc gia mới thực sự được ứng xử một cách đúng mực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.