Quy hoạch tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt vừa qua đã hướng đến việc phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Các lĩnh vực như: văn hóa, lịch sử, giáo dục, nông thôn mới, công nghiệp dệt may và các ngành khác sẽ được phát triển hiện đại và bền vững.
Để tạo đột phá về phát triển không gian lãnh thổ, tỉnh Nam Định sẽ hình thành, phát triển 3 vùng kinh tế động lực; 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo; 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo giữ vai trò gắn kết các nền kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Hồng, là cầu nối trung chuyển trong mối hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh khác trong nước, khu vực và quốc tế.
Cụ thể, 3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng kinh tế TP.Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp, nông thôn (H.Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (H.Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Xuân Trường).
Để đột phá phát triển, Nam Định sẽ phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo đô thị gồm: Đô thị với trung tâm TP.Nam Định mở rộng và các hạt nhân đô thị đối trọng vệ tinh (TT.Nam Giang – Cao Bồ); Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (TT.Rạng Đông, TT.Quỹ Nhất, TT.Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (TT.Lâm, 4 xã và TT.Bo thuộc H.Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (TT.Quất Lâm, TT.Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).
Có 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo đang hình thành và phát triển tại tỉnh Nam Định, bao gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (từ TP.Nam Định đến Cao Bồ); Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (từ Hà Nội đến Cao Bồ và Rạng Đông); Hành lang tuyến đường bộ ven biển (từ Ninh Bình đến Rạng Đông, Giao Thủy, Thái Bình); Hành lang TP.Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy và hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh.
Các hành lang này được coi là những đột phá chính, dựa trên cơ sở của 4 cực tăng trưởng, và dự kiến sẽ mở ra không gian mới cho phát triển tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2025 - 2030.
Để đạt được những đề xuất này, tỉnh Nam Định sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như: phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh du lịch; phát triển kinh tế đô thị và tăng cường phát triển kinh tế biển và ven biển. Đồng thời, còn có sự tập trung vào các nền tảng phát triển như: nguồn nhân lực và văn hóa, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, và đổi mới và hoàn thiện thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Bình luận (0)