Nam Định tái khởi động dự án nhiệt điện tỉ đô 'treo' hơn 10 năm

25/05/2023 19:48 GMT+7

Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, có buổi làm việc với ông Sang Young Jin, Tổng giám đốc Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) về tình hình triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD sau hơn 10 năm 'treo'.

Chiều 24.5, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, có buổi làm việc với ông Sang Young Jin, Tổng giám đốc Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) về tình hình triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 tại H.Hải Hậu.

Buổi làm việc diễn ra chỉ sau ít ngày Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 được triển khai tiếp hay không ?

Được biết, từ trước năm 2010, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 đã được triển khai những bước ban đầu tại H.Hải Hậu (Nam Định). Theo đó, tỉnh Nam Định đã dành một phần diện tích đất lớn để phục vụ việc di dân, tái định cư, lấy đất phục vụ dự án.

Tuy nhiên, phải tới ngày 2.7.2017, dự án mới chính thức được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tái khởi động dự án nhiệt điện hơn 2 tỷ USD 'đắp chiếu' hơn 10 nămtạiNamĐịnh - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc (phải) và ông Sang Young Jin tại buổi làm việc

C.H.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao (BOT) giữa nhà đầu tư và Bộ Công thương; được thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh thuộc huyện ven biển Hải Hậu, trên diện tích 242,71 ha. Dự án do liên danh đầu tư Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Ả Rập Xê Út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định Thứ Nhất (có trụ sở tại Singapore).

Dự án sẽ được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất khoảng 1.109,4 MW, gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ khoảng 554,7 MW. Thời gian dự kiến khởi công được công bố tại buổi lễ là vào giữa năm 2018.

Tuy nhiên, sau lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án vẫn "án binh bất động" kéo dài cho đến nay.

Gặp khó khăn về vốn khiến việc đầu tư bị chậm trễ

Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chiều 24.5, trả lời câu hỏi trên, Tổng giám đốc Tập đoàn Taekwang Power Sang Young Jin cho biết, nguyên nhân dự án bị chậm trễ kéo dài nhiều năm là do nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, thay đổi cổ đông và khó khăn trong hoàn tất các quy trình, thủ tục đầu tư.

Theo đó, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư dự án với quyết tâm cao. Hiện, Tập đoàn Taekwang Power đã hoàn tất công tác thu xếp vốn; xác lập định hướng đầu tư bổ sung công nghệ hiện đại theo hướng giảm tác động, đảm bảo môi trường theo quy chuẩn của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26.

Dự kiến vào cuối năm 2023, tập đoàn sẽ hoàn tất các phần việc của giai đoạn triển khai dự án.

Đại diện Tập đoàn Taekwang Power bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh Nam Định ủng hộ, hỗ trợ để tập đoàn này triển khai dự án theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đánh giá cao việc Tập đoàn Taekwang Power quyết tâm theo đuổi dự án, dù quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, bị chậm tiến độ.

Ông Phạm Gia Túc cho biết, phía tỉnh Nam Định sẽ bám sát quy hoạch điện VIII; tích cực phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để hỗ trợ Taekwang Power thực hiện hiệu quả các phần việc tiếp theo; đề nghị nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc khi triển khai cần nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động môi trường.

Cho phép kéo dài dự án đến tháng 6.2024

Theo Quy hoạch điện VIII (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15.5), dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 vẫn được xếp trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện; thuộc nhóm các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn; đã giao Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6.2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, phương án phát triển nguồn điện của quy hoạch điện VIII yêu cầu đối với các dự án nhiệt điện than: chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030; định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.