"Mùa xuân ai đi hái hoa. Còn thầy đi nuôi dạy trẻ"
Câu hát cải biên ấy nghe có vẻ lạ tai, nhưng là câu chuyện về gương những nam giới làm giáo viên mầm non. Thầy giáo Nguyễn Phúc Hiếu, 54 tuổi, đang giảng dạy tại Trường mầm non An Phú, xã An Phú, H.Củ Chi, TP.HCM là một ví dụ. Đầu tháng 10.2022, tôi ghé trường thăm thầy Hiếu, thấy tôi thầy khoe ngay mình đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoa mầm non, nếu thời gian tới sức khỏe cho phép, thầy sẽ tiếp tục học sau đại học.
Gặp thầy Hiếu, luôn thấy đam mê của thầy giáo dành cho nghề giáo viên mầm non. Thầy thiết kế đồ dùng dạy học thân thiện với tự nhiên như: lấy lá cây bản to kết thành nón, thành mão đội đầu; lấy lá dừa thắt thành con cào cào, đồng hồ đeo tay, chong chóng; cắt đoạn tre trúc dài hơn 2 tấc làm bộ gõ khi các cháu tập hát; dùng bìa các-tông cắt thành hình bông hoa hay xếp thành thùng đựng rác…
Những vật liệu ấy chỗ nào cũng có, làm đồ dùng học tập vừa tiết kiệm tiền bạc mua sắm, lại gần gũi với học sinh, đúng với chủ trương của ngành. Trong giờ học, các em thoải mái quan sát, mạnh dạn trả lời các câu hỏi của thầy.
Đầu năm học 1990-1991, thầy Hiếu tốt nghiệp Trường trung học sư phạm TP.HCM, được phân công về dạy Trường Bông Sen 4 thuộc ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi. Thầy tâm sự với tôi: "Ngày đầu đến nhiệm sở, giáo viên đang dạy tại trường và phụ huynh đều hơi ngỡ ngàng khi thấy có thầy giáo mầm non. Nhiều người còn nghĩ 'thanh niên trai tráng mà sao đi dạy mầm non'. Nhưng thầy Hiếu không lo lắng, thầy quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy đàn ông con trai cũng dạy được và dạy tốt các bé học bậc mầm non không thua gì các cô giáo".
Những kinh nghiệm giảng dạy được thầy Hiếu áp dụng vào thực tiễn; thầy áp dụng phương pháp dạy học thích hợp với từng đối tượng nên trẻ em rất thích học và các em tiến bộ rất rõ. Thầy giáo luôn hăng hái trong phong trào thi đua như đăng ký thao giảng, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.
Từng có thời gian phải tạm rời bục giảng để đi hợp tác, lao động ở nước ngoài vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, đến năm 2009 thầy Hiếu thi tuyển lại giáo viên và được phân công dạy ở Trường mầm non An Phú, H.Củ Chi tới nay.
Cô Lê Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường mầm non An Phú, dành những lời khen ngợi để nói về thầy Hiếu, cả về chuyên môn và tấm lòng. Nhà thầy Hiếu cách trường hơn 15 km nhưng ngày nào thầy cũng đến trường sớm 10-15 phút để nhận trẻ. Thầy luôn được đồng nghiệp thương yêu, phụ huynh tín nhiệm và rất an tâm, hài lòng khi con của mình được thầy Hiếu trực tiếp giảng dạy.
Thầy giáo nuôi dạy trẻ còn luôn nhận phần khó khăn về mình, như năm học 2021-2022 thầy nhận dạy lớp Lá 5 - lớp có nhiều học sinh con em công nhân, gia đình thuộc hộ nghèo, các cháu học 2 buổi/ngày nhưng không ăn bán trú. Để giáo dục các trẻ biết chia sẻ khó khăn với học sinh trong lớp, thầy giáo mầm non cho các bé nuôi heo đất, cuối năm tặng quà cho các bạn hoàn cảnh khó khăn trong lớp…
Tình cảm đặc biệt dành cho các thầy giáo mầm non
Đọc bài viết trên Báo Thanh Niên chủ đề "Nam giới làm giáo viên mầm non, tại sao không?" tôi rất thích thú, bởi nhiều năm nay tôi dành tình cảm đặc biệt và rất ngưỡng mộ những người thầy đã chọn cho mình nghề đặc biệt này. Thích thú, bởi cách đặt vấn đề từ câu hỏi của thí sinh nam trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên. Đó cũng là băn khoăn của nhiều học sinh nam trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề "em là nam, em muốn học sư phạm mầm non có được không? Cha mẹ em không ủng hộ vì nói nghề đó nhìn 'yếu ớt', đàn ông phải làm gì cho mạnh mẽ".
Tôi gọi nghề giáo viên mầm non là "đặc biệt" vì họ chính là những người thầy mạnh mẽ hơn, mạnh mẽ nhất so với những giáo viên nam các bậc trung học, đại học và sau đại học. Họ mạnh mẽ bởi họ chọn cái khó. Dạy bậc mầm non khó hơn, mệt mỏi hơn so với các bậc học khác. Dạy mầm non cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại hơn các bậc học khác. Và đặc biệt hơn nữa, họ mạnh mẽ nhất bởi vượt qua những định kiến, rào cản để đến với trẻ nhỏ.
Đầu năm học 2023-2024, tôi đã từng dành nguyên tiết học khi chiếu những phóng sự về giáo viên nam dạy mầm non để thầy trò cùng tương tác, để học sinh có góc nhìn mới và trân trọng những người thầy. Nhiều em lần đầu tiên biết được nam giới chọn giáo viên mầm non và tôi có thêm những thông điệp, góc nhìn mới trao cho học sinh của mình.
Tôi tin rằng, chương trình Tư vấn mùa thi cũng như những bài báo viết về nam giới làm giáo viên mầm non từ Báo Thanh Niên nhân dịp đầu năm 2024 này sẽ góp phần lan tỏa, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để những nam sinh lớp 12 (và cả những cậu học trò lớp dưới) tự tin và tự hào khi chọn sư phạm mầm non là hành trang theo suốt cuộc đời.
Bình luận (0)