Tâm thế sẵn sàng, tinh thần lạc quan
Học trực tuyến, ngừng đến trường nhưng không ngừng học là một trong trong những thử thách mang tính lịch sử của năm học 2021 - 2022. Vì vậy theo thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), tâm thế để bắt đầu năm học mới rất quan trọng.
Thầy Đức Anh chia sẻ thực ra cuộc sống luôn có những khó khăn, thử thách và có những tình huống bất ngờ, ngoài dự định. Và có khi những ước mơ bị trì hoãn bởi những thử thách.
“Chỉ mong các bạn đừng mất phương hướng, chìm đắm trong sự oán trách, tâm lý lo âu. Cuộc sống phải luôn giữ cho mình sự lạc quan. Trí tuệ và bản lĩnh cần thể hiện vào lúc này. Vì vậy những người trẻ nên suy nghĩ tích cực”, thầy giáo trẻ của Trường THPT Bùi Thị Xuân động viên.
Để bắt đầu một năm học mới thì hãy xóa bỏ sự xáo trộn của ngoại cảnh, đặt bớt gánh nặng lo âu xuống. Hãy chuẩn bị tâm thế thoải mái, tự tin bởi vì khi chúng ta hiểu sẽ trưởng thành, mạnh mẽ đối diện với khó khăn.
Nếu muốn thì sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm lý do nên học sinh cần tìm cách khắc phục khó khăn. Hãy cố gắng thật nhiều, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện học, nghe được bài giảng... “Thời gian này, thầy cô không ở bên để nhắc nhở hàng ngày như khi học ở trường mà chỉ có thể nhìn các em qua màn hình máy tính trong những lớp học trực tuyến. Vì thế các em hãy tạo một góc học tập tươi sáng, ngăn nắp. Hãy chuẩn bị cho mình sự tự giác, sự tự tin và chăm chỉ. Hãy để chiếc đồng hồ báo thức thực hiện nhiệm vụ như đã từng và sẽ vẫn như vậy đó là gọi bạn thức dậy với 1 ngày tràn ngập hứng khởi cho một năm học mới”, thầy Đức Anh tâm sự.
|
Cách học hiệu quả
Bên cạnh một tâm thế chủ động, một tinh thần lạc quan thì để có một khởi động hứng khởi cho năm học mới thì thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên tại Q.7 chia sẻ phương pháp cải thiện hình thức học trực tuyến giúp học sinh hứng thú hơn với môn học.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, đối với học sinh lớp 10, vừa chuyển cấp nên sẽ chưa thể nắm được cách học trực tuyến hiệu quả. Vì vậy thông qua phần mềm Zoom hoặc Google meet trong lớp học trực tuyến, các em tham gia các hoạt động để quen bạn quen thầy, “biết cách học đỡ cực nhọc”. Bên cạnh đó, nên thiết kế vở ghi bài trực tuyến, cách vẽ sơ đồ tư duy khoa học để tóm tắt bài học trực tuyến và thường xuyên tương tác với thầy cô, bạn bè, hoạt động thảo luận và làm bài tập đội, nhóm khi học trực tuyến.
Đặc biệt thầy Thanh còn gợi ý tận dụng kênh Zalo và Facebook để khi thảo luận nhóm các em có thể mở camera và thảo luận trực tuyến với bạn của mình để qua đó các em gặp được bạn bè, làm quen, tương tác và hợp tác học tập tránh sau này khi đi học trực tiếp trở lại các em “không biết mặt bạn bè cùng lớp”.
|
Giáo viên tạo hứng thú
Để việc học trực tuyến hấp dẫn và tăng hứng thú ở học sinh, theo giáo viên Lê Thanh, ở mỗi tiết học 45 phút, giáo viên nên thiết kế phần nội dung học tập khoảng 20 đến 25 phút, thời gian còn lại là các hoạt động nhằm tăng tương tác của trò với trò, trò với thầy. Qua đó tăng cường tính tự học và năng lực sáng tạo của học sinh, tránh việc chỉ truyền giảng một chiều từ người thầy đến người học sẽ dễ làm học sinh rơi vào cảm giác buồn ngủ và chán học.
Được biết giáo viên này đã tạo những clip thí nghiệm hóa học nhằm cô đọng kiến thức mỗi bài học một cách ngắn gọn nhất và dễ hiểu nhất để học sinh không có cảm giác còn cảm giác áp lực và luôn thoải mái khi học tập.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên học sinh phải học trực tuyến, học sinh lớp 10 mới bước vào năm học đầu tiên của bậc THPT nên sự bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi.
Giáo viên Đặng Thị Hồng Thủy, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) thiết kế trang Padlet- Gắn kết yêu thương để có thể sinh hoạt cùng học sinh. Ở trang này, giáo viên phổ biến các nội quy học tập trực tuyến, tổ chức hoạt động cho học sinh tự quay clip giới thiệu bản thân để làm quen bạn mới. Qua trang này, cô Thủy cũng chia sẻ những quyển sách hay về tâm lý, giáo dục, khoa học để học sinh có thể nâng cao năng lực tự đọc và tự học, tránh nhàm chán khi học tập trực tuyến trong thười gian dài. Đặc biệt qua kênh này, cô Thủy luôn lưu ý học trò có ý thức cải thiện sức khỏe và chú trọng đến chế độ dinh dưỡng phù hợp. Thực hiện các hoạt động hằng ngày đúng với đồng hồ sinh học một cách khoa học, tránh thức khuya dẫn đến thiếu ngủ sẽ không tập trung khi vào giờ học.
Bình luận (0)