Năm học mới: Học sinh tiểu học sẽ biết mình tiến bộ thế nào

08/08/2016 05:12 GMT+7

Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc họp góp ý sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trước đó, Bộ đã yêu cầu 63 tỉnh thành báo cáo những bất cập, tổ chức hai nhóm khảo sát ở 17 tỉnh thành với mẫu chọn tương đối lớn và chi tiết.
Từ kết quả khảo sát, tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định nhận định những cách hiểu sai và làm sai khiến hiệu quả thực hiện thông tư còn hạn chế. Hạn chế đầu tiên mọi người hiểu sai là quá coi trọng việc ghi đánh giá, nhận xét, chưa hiểu rõ khái niệm đánh giá thường xuyên trên lớp và đánh giá định kỳ. Khi đánh giá thường xuyên không dùng điểm số thì giáo viên (GV) nói thêm gánh nặng khi nhận xét, thực ra trước đây đã có yêu cầu cho điểm kèm nhận xét nhưng thường GV làm không đầy đủ mà chỉ cho điểm thôi.

tin liên quan

Sửa Thông tư 30 để không làm khó giáo viên
Đánh giá những mặt tích cực góp phần thay đổi cách thức đánh giá đối với học sinh (HS) tiểu học theo Thông tư 30 nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc thực hiện, đánh giá thường xuyên giáo viên còn gặp khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định.

Giảm áp lực sổ sách cho giáo viên
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Định trình bày hướng sửa đổi thông tư, trong đó đề xuất khá rõ những nội dung sẽ sửa nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện và giảm áp lực cho GV. Cụ thể, trong đánh giá thường xuyên quy định hiện hành yêu cầu GV ghi những đánh giá chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng, thì nay không bắt GV ghi vào sổ theo dõi chất lượng nhằm khắc phục những quy định cứng nhắc về ghi chép. Thay vào đó, sẽ có bản tổng hợp đánh giá cuối cùng. Hoặc hiện nay yêu cầu GV viết và nhận xét bằng lời lẫn lộn, chưa rõ ràng thì sắp tới sẽ tách hẳn ra, khi nào nhận xét bằng lời, khi nào nhận xét bằng ghi chép… để không gây hiểu lầm trong chỉ đạo và thực hiện ở cơ sở.
Đặc biệt, ông Định dự kiến trước đây hằng tuần, hằng tháng GV phải ghi vào sổ nhận xét thì nay sẽ sửa theo hướng để GV có quyền chủ động. Cũng không ban hành sổ theo dõi chất lượng nữa mà để GV tự quy định ghi trong sổ chuyên môn; nêu rõ mục tiêu bài kiểm tra định kỳ để làm gì, đánh giá định kỳ môn học thông qua bài kiểm tra, các môn âm nhạc, mỹ thuật thì tổng hợp đánh giá cả quá trình. Điểm kiểm tra cuối kỳ sẽ lưu tại trường, tránh thất lạc kết quả sau nhiều năm. “Làm như vậy thì rõ ràng hồ sơ đánh giá sẽ giảm nhẹ”, ông Định nói.
Về nội dung khen thưởng học sinh (HS), theo ông Định, thông tư sẽ được sửa theo hướng viết rõ ra HS nào được khen thưởng về nội dung gì. Muốn khen thưởng phải có quy trình, có bình bầu minh bạch, cụ thể. Giấy khen sẽ phải viết rõ ràng để HS và phụ huynh biết vì sao con mình được khen, tránh tình trạng như vừa qua có hiện tượng viết giấy khen quá chung chung (“khen từng mặt”). Muốn làm như vậy thì phải có gợi ý rõ hơn cho GV.

tin liên quan

Dạy học sinh biết sống có trách nhiệm
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 - 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (5.8).

Chú trọng đến năng lực của người học
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Không có văn bản nào có thể hoàn thiện ngay từ đầu, dù chúng ta nói văn bản đó là hay nhưng áp dụng khó, GV, phụ huynh còn nhiều tâm tư thì văn bản đó chưa thể nói là hay”.
Ông Nhạ khẳng định sau 3 năm, đã thấy rõ tính ưu việt của thông tư. Ngay từ tiểu học, các cháu đã tiếp cận được tính nhân văn trong giáo dục, đánh giá là tốt nhưng phải nhìn nhận và phải có lộ trình thích hợp. Ông Nhạ chỉ ra những bất cập mang tính cốt lõi khiến hiệu quả thực hiện thông tư chưa được như mong muốn. “Đánh giá thế nào, chương trình học phải thế đó, chúng ta đưa ra khung đánh giá mới trong khi vẫn dạy học chương trình cũ. Tính đồng bộ trong giáo dục là chưa có”, ông Nhạ nói.
Cũng theo ông Nhạ, thay đổi lớn cần phải có quy trình và các bước chuẩn bị. Cần phải thí điểm, sau đó mới tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng, nhưng chúng ta chưa làm những quy trình đó đã triển khai đồng loạt. Ngay cả đội ngũ GV cũng vậy, chuyển sang phương pháp mới phải có thời gian để bồi dưỡng, đào tạo. Trước GV chỉ cho điểm là xong nay phải đánh giá nhiều mặt, bản thân GV còn chưa hiểu thì đánh giá HS thế nào cho đúng.
Ông Nhạ nêu hướng thay đổi: Đánh giá làm sao để từng HS phải biết mình đang ở đâu, hôm nay tiến bộ hơn hôm qua không và tiến bộ thế nào. Nếu cứ nhận xét “có tiến bộ” như cách nhiều GV hiện nay vẫn làm thì HS và phụ huynh làm sao biết được. Gia đình gửi con đi học thì trông chờ vào thầy cô, mà thầy cô lại đóng dấu cười, mếu vào bài của HS là rất nực cười. Về quy định HS đánh giá lẫn nhau, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cũng cần nhưng nên dừng ở mức độ phù hợp vì các cháu vẫn còn ở lứa tuổi quá nhỏ.
Ông Nhạ khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện theo tinh thần của thông tư trong thời gian tới vì đây là hướng đi đúng khi chuyển sang đánh giá chú trọng đến năng lực của người học. Các nội dung thể hiện tiêu chí đánh giá sẽ ít, ngắn gọn nhưng phải rõ, lượng hóa tiêu chí đánh giá qua các mức độ khác nhau để thầy cô dễ đánh giá, HS dễ nhận biết kết quả, tránh gây sốc. Với GV, cần có những hướng dẫn rõ ràng, dễ thực hiện để GV nào cũng hiểu được.
Cũng theo ông Nhạ, dự thảo sửa đổi sẽ tiếp tục được gửi tới các sở GD-ĐT, các chuyên gia góp ý, biên tập một cách khách quan, các cơ quan của Bộ có nhiệm vụ nghiệm thu, hoàn thiện và trình Bộ trưởng ký dự kiến giữa tháng 8, trước khi khai giảng năm học mới. “Sau khi đã có hướng dẫn rõ ràng rồi thì các sở GD-ĐT cần thực hiện đúng, không thêm bớt, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện mà làm cho nhẹ nhàng hơn thì làm, còn nếu làm cho GV áp lực, nặng nề hơn thì thôi”, ông Nhạ nêu rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.