Năm học mới: Hướng dẫn học sinh kỹ năng làm văn thay cho dạy bài mẫu

08/08/2022 06:03 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu đổi mới giảng dạy môn ngữ văn để khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và học thuộc lòng theo bài văn mẫu.

Trước khi bước vào năm học mới, Bộ đã có công văn gửi các sở GD-ĐT hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Một trong những yêu cầu mà Bộ đưa ra nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và học thuộc lòng theo văn mẫu là tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa (SGK) làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết.

Triệt tiêu nạn dạy và học theo văn mẫu

Ngay khi Bộ đưa ra yêu cầu nói trên, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), đã bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân của mình rằng: “Rất nhiều giáo viên, trong đó có tôi, đều mong đợi và ủng hộ chủ trương đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá, thi cử môn ngữ văn nhằm giúp nâng cao năng lực đọc hiểu, phân tích một tác phẩm văn chương bất kỳ nào đó. Không phải biến bài thi thành hoạt động “trả bài” theo nghĩa đen, trả lại thầy cô những lời, những ý của thầy cô, càng đủ bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Và vì vậy, chủ trương đưa các tác phẩm văn học ngoài SGK vào các bài thi, bài kiểm tra là con đường đúng đắn, vừa phát huy năng lực, phẩm chất của trò, vừa triệt tiêu nạn dạy và học theo văn mẫu”.

Một buổi học môn ngữ văn của học sinh tại TP.HCM. Bộ đã có công văn gửi các sở GD-ĐT hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), thì thẳng thắn nói rằng yêu cầu đổi mới mà Bộ đưa ra chính là đưa bộ môn ngữ văn về đúng bản chất của nó. Cái mà học sinh đang thiếu là kỹ năng thực hành. Trong những năm tới, khi sử dụng nhiều bộ SGK, có thể học sinh mỗi trường, mỗi địa phương tiếp cận những văn bản khác nhau trong một chương trình học thì giáo viên cần hình thành kiến thức chung cho học sinh. “Học sinh được tiếp cận những văn bản mẫu, sau khi đọc và phân tích văn bản mẫu đó thì các em tự rút ra cho mình kỹ năng cần thiết để đánh giá, phân tích văn bản khác tương tự. Điều này sẽ giúp học sinh biết được kỹ năng và áp dụng nó khi thực hành với văn bản khác”, giáo viên Đức Anh phân tích.

Giáo viên của Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng nhấn mạnh: “Đó là điều cần thiết. Trước nay, chẳng hạn học sinh học tác phẩm Tấm Cám và chỉ biết phân tích tác phẩm này thì đó là một giới hạn. Bây giờ, thay vì học câu chuyện đó thì chúng ta xem đây là một văn bản mẫu để từ đó biết cách phân tích văn bản khác, tương tự”.

Cần tôn trọng sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh

Thực tế cho thấy, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn ngữ văn với các trường phổ thông tại TP.HCM không phải mới và đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Định hướng đổi mới này được giáo viên thể hiện qua các dự án học tập môn ngữ văn, được Sở GD-ĐT TP.HCM vận hành qua các hình thức và yêu cầu của đề thi tuyển sinh lớp 10… Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), khi đã trở thành một yêu cầu chính thức áp dụng vào việc dạy và học xuyên suốt từ Bộ GD-ĐT và quy mô trên toàn quốc thì Bộ cần có chỉ đạo sát sao về chuyên môn. Thạc sĩ Hoài phân tích: “Chẳng hạn, Bộ cần hướng dẫn cách thức ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ, cấu trúc đề thi tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp…; cùng với đó là các tiêu chí đánh giá có liên quan. Khi đã không lấy ngữ liệu trong SGK thì cũng cần có tiêu chí rõ ràng cụ thể về ngữ liệu để đảm bảo công bằng cho học sinh”.

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn ngữ văn

ngọc dương

Với yêu cầu đổi mới của Bộ, theo thạc sĩ Hoài, giáo viên cần phải giúp học sinh nắm vững lý thuyết, tương tự như các công thức toán, nhằm giúp các em chủ động trong học tập. Hay nói cách khác, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, còn học sinh phải chủ động, tìm tòi, khám phá tác phẩm thì việc dạy và học mới thành công.

Giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cũng cho rằng cần một quy trình đồng bộ, xuyên suốt từ trên xuống. Giáo viên phải được tập huấn trong khâu ra đề, có những đề tham khảo để dễ hình dung. Hiện nay, ngay cả khi có chung một ma trận đề, năng lực ra đề của mỗi giáo viên cũng không đồng đều. Như vậy, việc ra đề với ngữ liệu ngoài SGK thì Bộ phải có hướng dẫn sao cho giáo viên tôn trọng những sáng tạo, những tư duy phản biện của học sinh…

Chính từ những ý kiến nói trên, giáo viên Đỗ Đức Anh khẳng định điều kiện đầu tiên và tiên quyết để thực hiện yêu cầu đổi mới này chính là giáo viên. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết, càng sớm càng tốt, càng thuận lợi, bớt gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho học sinh và phụ huynh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.