Năm học mới, khắc phục nỗi sợ nhà vệ sinh trường học

15/08/2018 08:21 GMT+7

Giải quyết dứt điểm thiếu nhà vệ sinh trường học là một trong những yêu cầu thiết thân đặt ra với các nhà trường trong năm học tới.

Để không còn là nỗi sợ của học sinh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về nhà vệ sinh trường học trên toàn quốc, đến tháng 8.2018, có hơn 67% nhà vệ sinh trường học kiên cố. Trong tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT thì nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70% và THPT cao nhất hơn 80%. Đáng chú ý, còn có tới 9.360 nhà vệ sinh trường học trên cả nước tạm bợ, hơn 1.700 nhà vệ sinh trường học học sinh (HS) phải đi nhờ, đi mượn (trong số này bậc mầm non áp đảo với hơn 1.400 nhà vệ sinh nhờ, mượn).
Ngay tại Hà Nội, cũng còn hơn 22% nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, một trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GĐ-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trước năm học mới là tập trung vào cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh. Các quận, huyện đề xuất kế hoạch và triển khai phân bổ hơn 40 tỉ đồng cho 5 huyện khó khăn, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và THCS trong năm 2018.
Không ít trường học có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn ở ngay các quận nội thành đang lâm vào tình trạng quá tải vì số lượng HS quá đông dẫn tới nhà vệ sinh không giữ được sạch sẽ, luôn có hiện tượng “bốc mùi” và trở thành nỗi ám ảnh của HS. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn là cần thiết nhưng quan trọng không kém là phải có giải pháp để giữ gìn được sạch sẽ, không còn là nỗi sợ của HS.
Năm học mới, khắc phục nỗi sợ nhà vệ sinh trường học1
Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết, với mục tiêu xây dựng mô hình “trường học hấp dẫn”, quận đã mạnh dạn đi đầu trong triển khai mô hình vệ sinh công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp tại 100% các trường tiểu học và THCS, tạo sự đồng thuận cao của phụ huynh HS.
Theo bà Trang, bên cạnh việc đầu tư, cải tạo lắp đặt các trang biết bị văn minh tại 100% nhà vệ sinh của các trường công lập với kinh phí từ 2,5 đến 3 tỉ đồng/trường, Q.Thanh Xuân đã chỉ đạo các nhà trường duy trì hiệu quả mô hình vệ sinh công nghiệp chuyên nghiệp. “Thực tế, để có nhà vệ sinh đạt chuẩn, không chỉ là nỗ lực đầu tư của chính quyền địa phương mà còn cần sự vận hành, quản lý tốt của các trường, gắn trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS với việc giữ gìn vệ sinh…”, bà Trang chia sẻ.
Năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; phấn đấu hoàn thành việc bổ sung, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và nước sạch cho các cơ sở giáo dục trước khai giảng năm học mới 2018 - 2019.
Cần lập một địa chỉ phản ánh về nhà vệ sinh trường học toàn quốc
Nhà vệ sinh trường học được ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm khi đã từng đi “vi hành” tại một số trường học trên địa bàn TP.Hà Nội để tìm hiểu thực tế về vấn đề này. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của ngành GD-ĐT, ông Đam đề nghị lập một địa chỉ cụ thể để các trường chụp lại ảnh nhà vệ sinh của trường mình, gửi lên để toàn xã hội cùng thấy, từ đó kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của HS khi đến trường.
Nhưng theo ông Đam, quan trọng hơn, khi đã có nhà vệ sinh sạch đẹp, phải dạy HS thói quen giữ gìn. “Tôi đã trực tiếp đi nhiều nơi, có trường rất khang trang nhưng trần đầy mạng nhện, vườn đầy cỏ dại… Nhà vệ sinh xây mới đẹp chuẩn, sáng vẫn sạch nhưng đến trưa là bẩn. Đây cũng chính là dạy làm người”, ông Đam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.