Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường xây dựng và ban hành quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh ngay đầu năm học và đảm bảo tính hệ thống, khoa học, chặt chẽ, quy định cụ thể. Hiệu trưởng có trách nhiệm phổ biến thông tư, quy định, quy chế kiểm tra, đánh giá và cung cấp các thông tin về việc kiểm tra, đánh giá cho học sinh, phụ huynh.
Các thông tin về kiểm tra, đánh giá học sinh công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường. Cụ thể công khai cho học sinh biết số lần, hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính trong tổ chức, quản lý và thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh.
Việc kiểm tra đánh giá học sinh phải được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định. Hiệu trưởng tăng cường giám sát trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh, thực hiện công tác kiểm tra nội bộ nhà trường đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh kịp thời các sai sót.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh. Khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra.
Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, Sở khuyến khích kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Trong đó, môn lịch sử, địa lý, lịch sử và địa lý tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho học sinh biểu đạt chính kiến của mình, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ một cách máy móc.
Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh theo hình thức trực tuyến khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Bình luận (0)