Sân khấu của người Phan Thiết
Sân khấu nằm phía sau khu chợ vắng vẻ, từ đó có thể thấy dãy núi nhấp nhô như sóng lượn và nghe tiếng biển Đông ì ầm vỗ.
Sân khấu là một phòng trống, xỉn màu, có nhiều cột chống bằng gỗ, và thắp sáng bằng ba ngọn đèn dầu treo trên đường gờ trần nhà. Tôi có cảm giác như - hoặc chỉ là ảo tưởng - mùi nước mắm ở khắp nơi. Mùi nước mắm nồng nặc và mùi của biển làm tôi khoan khoái, đó là mùi kiên cố, mùi của neo tàu, bến cảng. […]
Đời sống sông nước của người dân ở Duồng (nay thuộc H.Tuy Phong, Bình Thuận) qua ống kính André Salles năm 1898 |
THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP |
Tôi ngồi ở bao lơn tầng hai của sân khấu lụp xụp như kho thóc này. Tôi nhìn toàn cảnh căn phòng và sân khấu. Trên một băng ghế trước sân khấu, những đứa trẻ đứng sát vai nhau. Những đứa trẻ Phan Thiết, những đứa trẻ thò lò nước mũi, những đứa trẻ mặn mòi, những đứa con của ngư dân, chính chúng đã vây lấy tôi trên bãi biển lúc nãy và tôi đã đánh bạn với chúng như xưa kia đánh bạn với đám trẻ Bretagne hay đám trẻ Hà Lan.
Trên hai bậc thang nối sân khấu với căn phòng còn có mấy đứa nhỏ khác. Và trong cánh gà sân khấu, sát bên nhạc công, cũng có những đứa nhỏ chen nhau chồm hổm. Bọn chúng tràn ra tới dưới chân diễn viên. Tôi không nói ngoa: Một đứa nhỏ trườn ra sân khấu, đầu ngẩng cao để xem cho rõ và cái chân của diễn viên đã đụng phải cơ thể sóng soài của nó. Diễn viên di chuyển cẩn thận để không làm đau đứa nhỏ.
Tôi nghĩ vài đứa bé ở đây để phụ họa. Nhưng chúng rất biết cách tận dụng vị trí vai phụ. Ở đây cha mẹ không cho con cái đi ngủ trước khi đi xem kịch. […] Suốt buổi tối đó, một dân binh An Nam đã hai, ba lần quất roi mây hoặc đá chân đuổi mấy đứa nhỏ, tuy rằng không quá dữ dằn hay quá cứng rắn. Bọn trẻ bỏ chạy. Nhưng dân binh đó đi khuất thì chúng liền trở lại, khéo léo như những giọt thủy ngân nhập vào giọt thủy ngân lớn nhất.
Tụi nhỏ là sợi dây liên kết sống động từ khán phòng tới sân khấu, ngay cả những rạp hát hiện đại ở Âu châu cũng tìm cách thiết lập một liên kết như thế. Nhưng các đạo diễn sân khấu hiện đại chỉ có cầu thang. Họ không có những đứa nhỏ cởi trần. Và những đứa nhỏ không hề làm phân tán người xem. Chúng ở đó như một truyền thống xa xưa.[…]
Sân khấu mang một vẻ trừu tượng huyền bí. Bài trí trên sân khấu chỉ có vài tấm cờ phướn thêu hoa văn. Sân khấu không nhắm đến một giả cảnh hay một ảo giác. Nó không thay thế đời sống. Nó nằm cạnh đời sống […].
Vọng cảnh lầu Ông Hoàng
Khi tôi về đến Phan Thiết thì trời mưa. Mưa trên đường lớn, mưa trên cây cối, mưa trên nắp xe. Khung cảnh đột nhiên như ở Âu châu, miền quê Âu châu.
Cỏ khô biến mất. Mọi thứ xanh rờn, chỗ thì xanh đậm, chỗ thì xanh nhạt và thậm chí xanh roi rói. Chỗ mà trước đó chỉ thấy dây leo trơ trụi khô khốc thì nay mướt xanh trở lại che lấp hết hang hốc, phủ kín hết giàn cây.
Cơn mưa làm rừng sâu bừng tỉnh. Mưa ngừng. Mưa lại rơi. Ngay trước khi tới Phan Thiết, bọn trẻ con trần truồng vươn tay, vươn người dưới làn mưa đổ. Bên bờ kinh, sau cơn mưa, tiếng ếch kêu ồm ộp, rộn rã, đinh tai. Làm như mặt đất này thuộc về ếch nhái.
Trong chợ lác đác mấy đứa trẻ ở truồng. Trẻ con Phan Thiết trần truồng còn hơn cả trẻ con Hindu ở Colombo vốn chỉ có một đồng xu làm khố.
Trên bờ sông Mường Mán đêm nay thủy triều không để lại gì ngoài bùn đất. Và tất cả thuyền bè đều đã tập trung ở giữa, túm tụm bên nhau để không bị đánh chìm, rừng cây tối đen và trơ trọi trong mưa. Một vài cánh buồm quặp quẹo trông như những chiếc lông ngỗng khổng lồ xiên ngang màn đêm.
Ngày hôm sau, nhân tiết trời quang đãng, chúng tôi leo tới tận lâu đài của công tước Montpensier [lầu Ông Hoàng]. Chúng tôi nhìn thấy dòng sông lớn đổ ra biển, đồng bằng rộng lớn bao quanh bởi những dãy núi xanh biếc, những ruộng muối, những sông nhỏ, vài túp lều đánh cá trên bãi cát trước biển. Bạt ngàn cát nhấp nhô lượn sóng, mênh mông đất nâu đỏ cháy đen, điểm xuyết đây đó bụi cây rậm rạp. Những mái nhà sẫm màu nằm rải rác giữa những vườn xoài. Và dãy núi đằng xa tạo thành những vòng tròn song song, trùng điệp.
Những ngọn tháp ánh lên màu vàng đỏ. Thoạt nhìn có thể thấy những chỗ đắp nổi mang kiến trúc đền tháp Hindu. Và trái ngược với dáng vẻ thấp đậm bên ngoài, không gian bên trong lại cao vút. Nằm rất gần những tháp Chàm cổ xưa, lâu đài được công tước Montpensier cho xây dựng là một tòa biệt thự trưởng giả xấu xí, mặt tiền lỗ chỗ, theo phong cách của một anh hàng xén trước thế chiến nay đã nghỉ hưu.
Tôi trở về Sài Gòn bằng xe lửa. Khi ngang qua khu rừng đang sinh sôi, chúng tôi thấy ruộng lúa, nhà cửa, mồ mả. Và thật vui khi xuất hiện một con đường đất đỏ, một mái nhà, một phụ nữ, một đứa trẻ, một thứ gì có hạn định…n
(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ)
Nam kỳ ngao du
Bình luận (0)