Ông Tổng đốc Lộc nay đã lớn tuổi [bấy giờ gần 60 tuổi - ND]; lý lịch sự vụ tuyệt vời. Ngoài ra, ông còn có huân chương Bắc Đẩu Bội tinh hạng ba, là người An Nam duy nhất ở Nam kỳ, cùng với ông Phủ [tức Đốc phủ Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914), nhập tịch Pháp năm 1881] ở Chợ Lớn, được Chính phủ [Pháp] chuẩn thuận vinh dự lớn lao này.
Vóc người cao lớn, mảnh khảnh, đường nét gương mặt thanh tú, nhưng hơi dữ, không có râu, môi mỏng, đầu hói, trán rộng, mũi ít vẻ người An Nam, cổ khá dài, cặp mắt dò xét và nghi ngờ, luôn luôn chỉn chu trong những bộ trang phục khác nhau, dáng đi oai vệ, Tổng đốc Lộc làm tất cả những người châu Âu tiếp cận ông có cảm giác nể trọng, có thể nói, sự nể trọng đó được thể hiện bằng cảm giác sợ hãi, khiếp sợ ở người bản xứ.
Dinh thự của Tổng đốc Trần Bá Lộc ở Cái Bè (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) J.C.Baurac Trần Bá Lộc |
J.C.Baurac |
Người quan sát, tuy không giỏi đoán nét mặt, sau một lúc trò chuyện với Tổng đốc Lộc, sớm nhận ra rằng, dưới sự lạnh lùng băng giá, nhân vật mà chúng ta đang nói đến không chỉ che giấu những phẩm chất tuyệt vời mà còn cả một trí tuệ lớn; kiến thức sâu sắc về nhiều thứ: chiến tranh, hành chính, thương mại, kỹ nghệ, nông nghiệp… sẽ sớm bộc lộ.
Ông là một học giả uyên thâm, rất tiếc khi biết rằng tiếng Pháp thì ông không quá thông thạo. Tổng đốc Lộc nói tiếng Pháp chỉ ở mức kém, nhưng phải công nhận rằng ông hiểu rất tốt ngôn ngữ chúng ta. Giống như mọi người An Nam coi trọng phẩm giá; ông thích trả lời bằng ngôn ngữ của đất nước mình, thứ ngôn ngữ mà ông rành rẽ mọi sắc thái, hơn là thể hiện sự lúng túng nực cười trong cách diễn đạt kém cỏi tiếng Pháp. […].
Cuộc chiến tranh Phú Yên năm 1886 cho thấy rõ sự tận tâm của ông đối với sự nghiệp của Pháp. Được biết, trước đó hơn hai tháng, khi binh lính ta [Pháp] bám trụ trong các cánh rừng của tỉnh này chiến đấu không có kết quả rõ rệt và chưa biết bao giờ mới kết thúc, thì ông Trần Bá Lộc trình diện Soái phủ ở Sài Gòn. Thời điểm đó, ông [Ange Michel] Filippini là người đứng đầu thuộc địa.
Nắm được tình hình ở Phú Yên, Trần Bá Lộc nói với Thống đốc [Nam kỳ Filippini] rằng, tôi nghĩ tôi phải đề nghị ông để cho tôi tuyển mộ ở Nam kỳ một số lính tình nguyện An Nam và tiếp đó để tôi toàn quyền lãnh đạo họ tiến thẳng đến những vùng chiến sự. Tôi cam kết, chỉ sau vài ngày, sẽ quy hàng tất cả kẻ thù ở Phú Yên cho ngài.
Từng nghe về tài năng thiện chiến của ông lớn An Nam, kẻ đang nói với mình bằng một giọng quả quyết đến vậy, Thống đốc không ngần ngại chấp thuận những gì ông yêu cầu. Ba tuần sau, cầm đầu 2.000 tên du thủ du thực mộ từ khắp các làng quê Nam kỳ, mà người ta thấy quá mừng khi tống khứ được bọn bất lương đó, và sau khi huấn luyện một số bài (xử lý vũ khí) cho những “tân binh”, Trần Bá Lộc đến Sài Gòn.
Thống đốc sắp đặt cho ông Trần Bá Lộc một chiếc tàu hơi nước để chở quân tình nguyện mới được tuyển mộ ra vùng biên, và trung đoàn ứng biến này tiến về Phú Yên. […] Chỉ vài ngày sau, Phú Yên bị chinh phục. Ông Trần Bá Lộc […] chiến thắng trở về Sài Gòn báo tin vui, để thưởng công, Thống đốc đề xuất tặng cho ông huân chương Bắc Đẩu Bội tinh hạng ba. Quân Pháp được triệu hồi và kể từ thời điểm đó, cả vùng bao la này được yên bình. […].
Tổng đốc Trần Bá Lộc |
Chỉ huy đào kênh tổng đốc Lộc
Tổng đốc Lộc vừa cho thấy một bằng chứng nữa về tình nghĩa của ông qua con kênh đào ở Đồng Tháp Mười [bấy giờ gọi là kênh Tổng đốc Lộc, nay là kênh Dương Văn Dương], dài 46,5 cây số, rộng 10 mét và sâu 3 mét, cho phép các thuyền mành lớn hơn tự do qua lại. Đó là một công trình vĩ đại.
Chúng tôi có may mắn được tham dự lễ khánh thành kênh này vào ngày 27.6.1897, với sự hiện diện của ông [Lebrun] Bocquillon, Chánh tham biện của hạt, và một số nhân vật khác.
Chúng tôi có thể tận mắt nhìn thấy những khó khăn mà công trình này làm phát sinh, cũng như tầm quan trọng của nó trong tương lai, nhìn từ góc độ thương mại.
Tổng đốc Lộc đã làm một công việc thực sự hữu ích, và không tốn kém một đồng bạc nào của thuộc địa, vì các làng khác nhau trong vùng đã cung cấp miễn phí nhân lực cần thiết.
Trong một vài năm nữa, Đồng Tháp Mười, nơi hoang vắng mênh mông này, sẽ được canh tác trên diện rộng; không bao lâu nữa dân chúng sẽ đến định cư tại vùng đất từng là bất khả xâm phạm này; buôn bán sẽ càng hưng thịnh vì đất đai rất thích hợp để trồng lúa.
Thế hệ tương lai của những vùng này không nên quên rằng họ được như vậy là nhờ Tổng đốc Lộc, như ông Bocquillon đã nói rất hay, trong một bài phát biểu tuyệt vời, tại lễ khánh thành con kênh để vinh danh người đã cho đào nó, trước sự chứng kiến của hơn 1.000 người An Nam.
(còn tiếp)
(Trích từ Nam Kỳ và cư dân, J.C.Baurac, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Omega+ và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2022)
Bình luận (0)