Đó là ý kiến của José Ortega Y Gasset, tiểu thuyết gia nổi tiếng Tây Ban Nha. Năm lá quốc thư, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái (NXB Trẻ 2019) hội đủ hai yếu tố đó.
Ngổn ngang bề bộn sự kiện tình huống, nhân vật, giọng kể, lời tả, câu bình, cách dựng hài hòa tự nhiên, khi nghiêm trang, lúc lơi lả, tạo nên một sức cuốn hút khó cưỡng lại thường thấy ở những tiểu thuyết có bối cảnh chính trị rộng lớn. Hàng chục nhân vật kể từ ông to bà lớn đến anh nhân viên bình thường xuất hiện chỉ vài ba nét ký họa cũng đủ làm nên bức tranh đa sắc màu của một đời sống, một nghề nghiệp còn xa lạ với công chúng. Không phải là kiểu kết cấu có hậu của cổ tích, nhưng kết cục của cuốn sách với lá quốc thư thứ năm có thể coi như một tất yếu có tính quy luật. Sau tất cả những rắc rối hỗn độn là sự bình yên tươi sáng, là tình yêu và sự trong sạch hoàn toàn.
“Ngay từ buổi đầu viết văn, tôi đã tâm niệm sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về các nhà ngoại giao”, Hồ Anh Thái viết. Năm lá quốc thư đã ra đời sau 40 năm trải nghiệm nghiền ngẫm cặm cụi trong mãnh lực của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật không biết đến giới hạn. Dựng nên một bức toàn cảnh với quan niệm riêng, đặc thù về tiểu thuyết, nhà văn thể hiện một bản lĩnh vững vàng tự tin, một sự chín muồi về nghệ thuật vận dụng thể loại, một hiểu biết thấu đáo về chính trị, triết học, văn hóa học... Tiểu thuyết cũng chính là câu chuyện đời của tác giả, hơn nữa là kinh nghiệm lịch sử được rút ra của chính tác giả trong suốt mấy chục năm sống và kiểm nghiệm. Là ước mong là hy vọng là tình yêu của tác giả, của người trong cuộc với nghề nghiệp mà anh đã dấn thân.
Bình luận (0)